Được thành lập vào năm 1986, Trung tâm Quang điện tử (CFOC) có chức năng nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quang điện tử, quang cơ điện tử, robot và cảm biến quang học.
Trung tâm Quang điện tử tiền thân là Viện Công nghệ Quang học, được thành lập ngày 5 tháng 11 năm 1986 theo quyết định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Ứng dụng Công nghệ). Năm 1994, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia trở thành đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ký quyết định hợp nhất Trung tâm Hệ thống Thông tin (ISC) với Viện Công nghệ Quang học và đơn vị mới được đặt tên là Trung tâm Vật liệu Quang – Điện tử. Ngày 1/7/2004, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định đổi tên Trung tâm Vật liệu Quang-Điện tử thành Trung tâm Quang điện tử hiện nay. Như vậy đến ngày 5 tháng 11 năm 2021, Trung tâm Quang điện tử vừa tròn 35 năm xây dựng và trưởng thành.
(Tập thể cán bộ và người lao động Trung tâm Quang điện tử)
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Nhân, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm, CFOC có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ mới thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao bao gồm: công nghệ màng mỏng và màng cứng, công nghệ quang cơ điện tử, công nghệ thu thập và xử lý ảnh 2D, 3D, Robots, công nghệ chế tạo linh kiện và cảm biến quang học phục vụ dân dụng, công nghiệp và quốc phòng. Trong giai đoạn 2016-2021, Trung tâm đã triển khai một cách hiệu quả trên 10 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Những nghiên cứu trong giai đoạn này đã góp phần hình thành một số công nghệ cốt lõi, tiên phong trong lĩnh vực quang điện tử và đóng góp giải quyết một số nhu cầu thực tiễn về:
– Công nghệ mạ trên nhựa
– Công nghệ mạ PVD
– Công nghệ mạ quang học
– Công nghệ mạ màng cứng cho dụng cụ cắt và chi tiết cơ khí
– Máy quét 3D quang học
– Thiết bị tự động kiểm tra chi tiết dựa trên ảnh 2D và 3D
– Robot tự hành
(Sản phẩm mạ màng cứng chi tiết cơ khí thực hiện tại CFOC)
Phát huy truyền thống 35 năm hình thành và phát triển, lãnh đạo Trung tâm CFOC nhấn mạnh: “Trung tâm đã xây dựng chiến lược phát triển cho những năm tới với mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quang điện tử”. Các hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Trung tâm tập trung vào : Công nghệ mạ ứng dụng cho các sản phẩm cao cấp có hàm lượng kinh tế cao, mạ quang học chất lượng cao, mạ màng cứng, công nghệ kiểm tra 2D, 3D với độ chính xác cao, công nghệ quét 3D, Robot tự hành,… Ngoài ra, Trung tâm đang nghiên cứu để xây dựng các phòng thí nghiệm trong hệ thống VILAS về kiểm tra, kiểm nghiệm màng mỏng, pin mặt trời, acquy, trạm sạc xe điện,…
(Thử nghiệm sản phẩm Robot tự hành AMRs tại Nhà máy Tổ hợp cơ khí – Tập đoàn THACO)
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Lãnh đạo Trung tâm khẳng định: “Để Trung tâm hoạt động hiệu quả, đơn vị luôn ý thức xây dựng, đào tạo nội bộ để có được các nhà khoa học giỏi, gắn bó với hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ”. Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của CFOC sẽ kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của 35 năm xây dựng và phát triển, đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành tốt chiến lược phát triển đã đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030. CFOC hoàn toàn tự tin để trở thành một trong các tổ chức khoa học công nghệ công lập dẫn đầu về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Quang điện tử tại Việt Nam.
Nguồn: Trung tâm Quang điện tử