Tinh dầu được loài người sử dụng từ khá sớm, khoảng 5000 năm trước với mục đích chữa bệnh và trong một số nghi lễ tôn giáo. Hiện nay, tinh dầu được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như làm hương liệu cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm (tinh dầu hoa hồng, oải hương, hoa cúc…); làm gia vị, hương liệu trong công nghiệp chế biến thực phẩm (tinh dầu bưởi, cam, quế, hồi …), làm nguyên liệu trong sản xuất thuốc trừ sâu, diệt trừ nấm ứng dụng trong nông nghiệp (tinh dầu thông, tinh dầu giềng, tinh dầu gừng ….); và làm nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm (tinh dầu long não, bạc hà, sa nhân…). Ngành sản xuất tinh dầu trên thế giới đang ngày càng phát triển, tính đến nay thế giới đã xác định được khoảng 3000 loài thực vật có tinh dầu với khoảng 250 loài đã được khai thác và sử dụng ở mức độ khác nhau, trong đó có 150 loài được giao dịch trên thị trường thương mại. Theo số liệu thông kê của Cinzia Barbieri và cộng sự (2018), sản lượng tinh dầu trên toàn thế giới được ước tính vào năm 2017 là hơn 150.000 tấn trị giá khoảng 6 tỷ USD, tăng gấp ba lần năm 1999 (45.000 tấn) và ước đạt mức 370.00 tấn vào năm 2020 tương ứng hơn 10 tỉ USD. Một số quốc gia sở hữu nguyên liệu thực vật chứa tinh dầu và sản xuất tinh dầu lớn trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Canada, Mexico, Morocco…
Với tiến bộ trong nghiên cứu các hoạt chất của tinh dầu về khả năng kháng nấm, kháng khuẩn, kháng virus, gây độc tế bào ung thư, chống oxy hóa, tác động tâm sinh lý… nên tinh dầu đang ngày càng được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực dược phẩm. Một số tinh dầu có thể sử dụng trực tiếp để chăm sóc sức khỏe con người có tác dụng giảm đau, thư giãn, sát trùng … như tinh dầu tràm, tinh dầu ngải cứu, tinh dầu tỏi, tinh dầu thạch xương bồ…; hoặc tách chiết hoạt chất làm nguyên liệu sản xuất các dược phẩm mới như hoạt chất methysaticylate trong tinh dầu Châu thụ, Gan tiền làm cồn xoa bóp, miếng dán giảm đau, hoạt chất methol trong tinh dầu bạc hà làm dung dịch xịt và viên ngậm kháng viêm đường hô hấp, hay như hoạt chất eugennoltrong tinh dầu re hương, trầu không làm nước súc miệng, thuốc bôi bảo vệ răng miệng… Thông tin mới nhất trong nghiên cứu của Ahmed Al và cộng sự (2021) đã chỉ ra rằng tinh dầu được coi là một trong những giải pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng tâm lý giúp phòng chống dịch bệnh. Một số tinh dầu đã được biết đến với đặc tính kháng viêm, điều hòa miễn dịch, giãn phế quản và kháng virus, và cũng đang được tiếp tục nghiên cứu về hoạt tính kháng virus SARS-CoV-2.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, đặc biệt là nhóm các cây có tinh dầu. Số loài có chứa tinh dầu trong hệ thực vật Việt Nam gồm khoảng 657 loài thuộc 357 chi và 114 họ (chiếm khoảng 6,3% tổng số loài, 15,8% tổng số chi và 37,8% tổng số họ). Các họ giàu chi và loài chứa tinh dầu là Cúc (Asteraceae), Cam (Rutaceae), Gừng (Zingiberaceae), Bạc hà (Lamiaceae), Long não (Lauraceae)… nên được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn thực vật chứa tinh dầu lớn trên thế giới.
Vùng trồng Quế tại Văn Chấn Yên Bái
Vùng trồng Bạc hà tại Bắc Bình Thuận
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến ngành sản xuất tinh dầu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các loại cây tinh dầu có nhu cầu lớn như: Quế, Bạc hà, Hồi, Sả, Tràm… quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất công nghiệp và thương mại hóa. Những loại tinh dầu mang tính đặc thù, có giá trị như Hoàng đàn, Trầm hương, Châu thụ chưa được nghiên cứu, quy hoạch và khai thác hiệu quả. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất tinh dầu ở Việt Nam cần có quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu, kế hoạch phát triển và sự đầu tư đồng bộ trang thiết bị cũng như công nghệ mới trong tách chiết tinh dầu ở các vùng nguyên liệu có thế mạnh của Việt Nam như Quế, Hồi, Bạc hà… cũng như hướng đến khai thác những loài thực vật lấy tinh dầu tiềm ẩn trong tự nhiên.
Nguồn: Trung tâm Sinh học Thực nghiệm