Đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN cấp cơ sở do Trung tâm Sinh học Thực nghiệm chủ trì thực hiện năm 2021

Ngày 28/10/2021, Trung tâm Sinh học Thực nghiệm đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN cấp cơ sở năm 2021: “Nghiên cứu ứng dụng tinh dầu Bạc hà, Trầu không làm chất khử khuẩn trong nuôi cấy in vitro cây Lan kim tuyến trung bộ (Anoectochilus annamensis Aver.)”, do ThS. Bùi Thị Thanh Phương làm chủ nhiệm và mời PGS.TS Trần Minh Hợi – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm Chủ tịch Hội đồng.
Thời gian gần đây, việc ứng dụng các giải pháp sinh học thay cho các chất hóa học trong sản suất nông nghiệp đang là xu thế phát triển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sử dụng tinh dầu hoặc phối hợp với Nano bạc thay thế các chất khử trùng truyền thống như HgCl2, Ca(ClO)2, NaOCl,… trong nuôi cấy mô tế bào thực vật đang được nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực này quan tâm nghiên cứu. Đề tài đã được tiến hành với mục tiêu khảo sát khả năng sử dụng tinh dầu Bạc hà, tinh dầu Trầu không làm chất khử khuẩn trong nuôi cấy in vitro cây Lan kim tuyến nhằm nâng cao hiệu quả khử trùng, xây dựng quy trình nuôi cấy in vitro không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho người và các sinh vật khác.

(Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài)

Qua quá trình nghiên cứu, thực nghiệm, bước đầu đề tài đã thu được một số kết quả khả quan như: (1) Xây dựng được phương pháp khử trùng nguyên liệu ban đầu bằng hỗn hợp tinh dầu và Nano bạc cho tỷ lệ mẫu đạt là 65,5% cao hơn phương pháp sử dụng hóa chất khử trùng truyền thống; (2) Bổ sung tinh dầu vào môi trường nuôi cấy đã hạn chế việc nhiễm vi sinh vật trong quá trình nuôi cấy, tỉ lệ mẫu nhiễm giảm còn 3,5% khi sử dụng tinh dầu so với 17,5% khi không bổ sung tinh dầu; (3) Công bố 01 báo cáo khoa học tại Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc năm 2021.

(Sản phẩm cây Lan kim tuyến trung bộ nuôi cấy in vitro của đề tài)

Toàn bộ các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa và khả năng ứng dụng thực tiễn của các kết quả thu được từ đề tài, đồng thời cũng đề xuất cần có thêm những nghiên cứu mở rộng hơn đối với các loại tinh dầu khác và trên các đối tượng cây có giá trị khác.

Nguồn: Trung tâm Sinh học Thực nghiệm