Theo số liệu thống kê của Cục trồng trọt, tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh cả nước năm 2015 là 34.978 ha. Thu nhập bình quân của nghề trồng hoa, cây cảnh trên cả nước là 285 triệu đồng/ha, so với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82-83 triệu đồng/ha thì mức thu nhập này cao gấp 3,5 lần. Kết quả điều tra nhu cầu thị trường hoa Việt Nam cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tăng bình quân 9% năm, giai đoạn 2013 – 2018 tăng trên 13%, do vậy trong vòng 10 năm 2008 – 2018, diện tích trồng hoa đã tăng 2,5 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 50 triệu USD, trong đó hình thành nhiều mô hình đạt thu nhập từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha.
Thách thức về giống cũng khiến ngành sản xuất hoa, cây cảnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay hầu hết các giống hoa có chất lượng tốt đều phải nhập khẩu từ nước ngoài như vạn thọ từ Pháp, các giống lan từ Thái Lan, các giống Lily, hoa chậu từ Hà Lan… Các cơ sở sản xuất giống chỉ đáp ứng được khoảng 15 – 20% nhu cầu của thị trường. Kỹ thuật sản xuất giống hoa ở Việt Nam chủ yếu dựa vào những kỹ thuật truyền thống cây giống được tạo ra từ hạt, củ, cành giâm,…Vì vậy, các sản phẩm hoa làm ra có năng suất, chất lượng không cao, nguồn cây giống thiếu tính mới, dễ bị thoái hóa, sâu bệnh nhiều. Các phương pháp lai tạo giống và trồng hoa tiên tiến tại các quốc gia trên thế giới như trồng hoa trong điều kiện nhà lưới và sử dụng nguồn giống có chất lượng cao như cây giống cấy mô, giống lai ưu thế … cũng đã được triển khai ứng dụng ở một số vùng taị Việt Nam đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tử la lan (Sinningia speciosa) thuộc họ tai voi (Gesneriaceae), bộ hoa môi (Lamiales), có nguồn gốc nhiệt đới thuộc khu vực rừng nhiệt đới của Brazil ở Nam Mỹ. Hoa Tử la lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng nên được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia làm cây cảnh trang trí trong nhà, ban công, công viên, công sở… như Brazil, Mexico, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật … Tại Việt Nam, các giống hoa này được nhập về trồng từ những năm 2000 và đã nhanh chóng trở thành một trong những loài hoa nhập nội có giá trị, đáp ứng được xu hướng ưa thích các loài hoa mới lạ của người chơi hoa và sự quan tâm của người trồng hoa bởi các ưu điểm về tính đa dạng, dễ trồng, cây ra hoa liên tục trong khoảng 3- 4 tháng. Hiện nay nguồn giống Tử la lan đang được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu ở dạng hạt nhập khẩu từ Trung Quốc, chất lượng cây giống không cao (tỷ lệ nảy mầm/sống thấp, thời gian trồng dài, phân ly tính trạng…). Xuất phát từ những nhu cầu thực tế trên, Trung tâm Sinh học Thực nghiệm đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu sử dụng bầu nhụy hoa Tử la lan (Sinningia speciosa) làm nguyên liệu nuôi cấy invitro nhằm tạo ra những giống lai có giá trị”. Bằng phương pháp nuôi cấy in vitro bầu nhụy, nhóm nghiên cứu của đề tài đã tạo được một dòng lai F1 từ phép lai hoa đơn trắng với hoa kép đỏ.
Hình thái hoa của cây Tử la lan bố mẹ
Cây lai F1 được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy in vitro lát cắt bầu nhụy và đưa ra trồng thử nghiệm trong điều kiện vườn ươm. Kết quả cho thấy giống lai mới có khả năng sinh trưởng tốt, có nhiều tính trạng khác biệt với cây bố mẹ, cây có hoa mang đặc điểm phối trộn của cả hai dòng bố mẹ.
Hình thái và hoa của cây lai F1 Tử la lan nuôi cấy in vitro lát cắt bầu nhụy
Nguồn: Trung tâm Sinh học Thực nghiệm