Cây có múi là một trong những loài cây trồng trọng điểm của Việt Nam, tuy nhiên hiện nay bệnh vàng lá thối rễ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sống và năng suất của cây có múi (Trinh et al., 2016). Tuyến trùng Tylenchulus semipenetrans được xác định là một trong những loài gây hại chính trên cây có múi, chúng kí sinh trên rễ cây và là nhân tố chính gây bệnh chết chậm, gây thiệt hại năng suất hàng năm từ 30-50% (Suganthi et al., 2019).
Nấm săn tuyến trùng (Nematophagous fungi) có trên 200 loài, là chủng nấm có khả năng bắt hoặc kí sinh trên tuyến trùng và sử dụng tuyến trùng làm nguồn dinh dưỡng (Hsueha et al., 2013; Nordbring-Hertz, 2006). Chúng được phân thành 4 nhóm theo phương thức tấn công tuyến trùng: nấm bẫy tuyến trùng sử dụng keo dính hoặc bẫy cơ học, nấm nội kí sinh sử dụng bào tử, nấm kí sinh trứng hoặc con cái bằng đầu sợi nấm và sinh độc tố nấm cố định tuyến trùng trước khi xâm nhập (Liu et al, 2009). Nấm bẫy tuyến trùng có 3 chi chính là Arthrobotrys, Dactylellina và Drechslerella (Nguyen et al., 2019). Trong đó, chi Arthrobotrys đặc biệt là A. oligospora được báo cáo là chi nấm phân bố rộng rãi có thể được tìm thấy ở châu Âu, châu Á, châu Mĩ và có khả năng phát triển trong nhiều môi trường bao gồm các loại đất tự nhiên, phân động vật và trong môi trường nước (Niu & Zhang, 2011).
Chi nhánh Viện Ứng dụng Công nghệ tại TP. HCM đã phân lập được một chủng Arthrobotrys sp., hai chủng Paecilomyces sp., và mười bốn chủng Trichoderma sp. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chủng nấm săn tuyến trùng có khả năng kiểm soát tuyến trùng T. semipenetrans trên cây có múi đạt hiệu quả cao. Arthrobotrys sp., có khả năng tạo bẫy mạng bắt tuyến trùng đạt 72,82% sau 15 ngày thử nghiệm, Paecilomyces sp., có khả năng kí sinh và phá vỡ trứng từ bên trong, đạt hiệu quả cao nhất là 90,87%. Các chủng Trichoderma sp., có khả năng ức chế và làm mất cấu trúc vỏ trứng T. semipenetrans đạt hiệu quả là 80,33%.
Chi nhánh Viện Ứng dụng Công nghệ tại TP. HCM đã sản xuất và phân phối sản phẩm sinh học chứa các chủng nấm săn tuyến trùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Thông tin hợp tác nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ vui lòng liên hệ tại địa chỉ: 366A Trường Chinh, Phường 13, Quận Tân Bình, TP. HCM.
Nguồn: Chi nhánh Viện Ứng dụng công nghệ tại TP. HCM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyen, V. H, Nguyen, T. H, Tran, T. T. T, & Pham, V. T. (2019). Isolation and selection of Arthrobotrys nematophagous fungi to control the nematodes on coffee and black pepper plants in Vietnam. Archives of Phytopathology and Plant Protection, 52(7-8), 825-843.
Hsueha, Y.-P., Mahantib, P., Schroederb, F. C., & Sternberg, P. W. (2013). Nematode-trapping fungi eavesdrop on nematode pheromones. Curr Biol, 23(1), 83-86.
Liu, X., Xiang, M., & Che, Y. (2009). The living strategy of nematophagous fungi. Mycoscience, 50, 20-25.
Niu, X.-M., & Zhang, K.-Q. (2011). Arthrobotrys oligospora a model organism for understanding the interaction between fungi and nematodes.pdf. Mycology, 2(2), 59-78.
Nordbring-Hertz, B., Jansson, H. B., & Tunlid, A. (2006). Nematophagous Fungi. In Encyclopedia of life sciences (pp. 1-11). John Wiley & Sons.
Trinh, Q. P, Nguyen, T. T., Tran, T. T. T., Nguyen, H. T, & Tran, T. H. A. (2016). Đặc điểm phân bố của tuyến trùng ký sinh thực vật trong đất trồng cam Cao Phong, Hòa Bình. VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences, 32, 301-308.
Suganthi, K., Vetrivelkalai, P., Poornima, K., & Vijayakumar, R. M. (2019). In vitro Bioefficacy of Endophytic Isolates against Citrus Nematode. Tylenchulus semipenetrans. Int.J.Curr.Microbiol.App.Sci, 8(5), 1050-1055.