Chuyển giao công nghệ – đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất sinh khối và chế biến tảo Spirulina bằng nước biển tại Thanh Hóa

Năm 2018 – 2020, Trung tâm Sinh học Thực nghiệm – Viện Ứng dụng Công nghệ đã thực hiện chuyển giao công nghệ nuôi trồng và chế biến sinh khối tảo Spirulina cho Công ty CP Long Phú trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi tảo Spirulina nước lợ và sản xuất một số sản phẩm thực phẩm chức năng từ sinh khối tảo này tại Thanh Hóa”, mã số DA.CT – 592.21.2018 thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Bộ KHCN hỗ trợ kinh phí.

Từ các kết quả nghiên cứu đạt được trong nhiều năm qua về tảo Spirulina, Trung tâm đã mở rộng nghiên cứu đánh giá thêm về điều kiện tự nhiên, về chất lượng nguồn nước biển có tại vùng biển Quảng Xương (Thanh Hóa), kết hợp với việc tuyển chọn được chủng Spirulina platensis chịu mặn tới 10‰ nhằm mục đích ứng dụng công nghệ nuôi trồng chủng tảo Spirulina nước lợ từ nguồn nước biển rất sẵn có tại Việt Nam, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu sử dụng nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm.

Công ty CP Long Phú – doanh nghiệp KHCN là Doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam ứng dụng hệ thống giàn ống nhân giống tảo Spirulina bằng chất liệu acrylic kích thước lớn (Ǿ 60mm). Việc ứng dụng hệ thống kín trong nhân giống tảo Spirulina có rất nhiều ưu điểm nổi bật như: (1) Tăng hiệu quả chiếu sáng; (2) Tăng tính vô trùng của hệ thống nuôi trồng; (3) Giảm mức phơi nhiễm bệnh… đã giúp giảm 1/3 thời gian trong chu kì nhân giống trước khi đưa ra bể nuôi ngoài trời.

Việc áp dụng các kết quả chuyển giao công nghệ vào sản xuất đã giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm, đạt tiêu chuẩn đăng kí công bố tại Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – giúp doanh nghiệp đa dạng hóa được danh mục sản phẩm KHCN và thương mại ra thị trường, tiến tới xuất khẩu. Ngoài ra, tận dụng lợi thế cạnh tranh về nguồn nước biển tự nhiên, doanh nghiệp đã xác định chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm tảo tươi – dạng sản phẩm chưa có hàng nhập ngoại và giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước trên thị trường (120.000đ/khay 100g so với 150.000 – 180.000 đ/khay 100g).

Một số sản phẩm chuyển giao công nghệ

Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao khối lượng và chất lượng các công việc mà Dự án đã triển khai, trong đó nhấn mạnh vai trò của tổ chức nghiên cứu KHCN – Trung tâm Sinh học Thực nghiệm đã đồng hành và hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất cho Doanh nghiệp, đưa được các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hàng Việt nam do người Việt làm ra.

Đoàn kiểm tra thực hiện đánh giá kết quả Dự án

Nguồn: Trung tâm Sinh học Thực nghiệm