Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên nền tảng những công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghệ sinh học (CNSH) của Việt Nam bước đầu đã có những bước tiến quan trọng, mở ra nhiều triển vọng phát triển mới.
Trong dòng chảy mạnh mẽ này, CNSH đang vươn lên như một trụ cột chiến lược của nền kinh tế tri thức và len lỏi vào mọi mặt của đời sống, chứng minh sức mạnh không chỉ ở tính ứng dụng mà còn ở khả năng định hình tương lai. Việt Nam – một quốc gia nông nghiệp truyền thống với lợi thế về đa dạng sinh học đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển CNSH thành ngành mũi nhọn, vừa phục vụ đời sống nhân dân, vừa góp phần củng cố nền độc lập tự chủ về khoa học, công nghệ và kinh tế. Một số kết quả đạt được trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam thời gian qua có thể kể đến như:
Trong lĩnh vực y tế: CNSH hỗ trợ phát triển vaccine “Make in Vietnam” như Nanocovax, vaccine cúm mùa của IVAC, và các sinh phẩm chẩn đoán do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất, giúp nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đang ứng dụng giải trình tự gene thế hệ mới (NGS) để phát hiện sớm đột biến ung thư và cá thể hóa phác đồ điều trị….
Trong lĩnh vực nông nghiệp: CNSH là lời giải cho bài toán an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp sạch, ứng phó biến đổi khí hậu – những nội dung then chốt trong định hướng phát triển xanh, bền vững của Đảng. Ví dụ như trong chăn nuôi đã chọn tạo được nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen bản địa hay ứng dụng phương pháp mới đánh giá di truyền giống của đàn lợn dựa trên giá trị kiểu gen bằng phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction), tạo tôm càng xanh cái giả bằng công nghệ RNA-RNA interference; trong trồng trọt tạo được nhiều giống cây trồng có đặc tính ưu việt như ứng dụng công nghệ chuyển gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ trên cây ngô lai, trong bảo vệ thực vật phát triển các sản phẩm vi sinh vật có lợi để kiểm soát và diệt trừ sâu bệnh có hại…
Trung tâm Sinh học thực nghiệm chuyển giao công nghệ (trái) nuôi cấy mô tế bào sản xuất cây giống dược liệu tại Công ty CP Tài nguyên xanh (Lào Cai) và (phải) nuôi trồng nấm trùng hạ thảo tại Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa
Trong lĩnh vực môi trường: Ứng dụng công nghệ sinh học góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường là những nỗ lực đáng ghi nhận như sử dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý nước thải, chất thải rắn, phân hủy chất ô nhiễm trong đất; ứng dụng công nghệ gen tạo giống cây cỏ biển, các cây trồng phục hồi các hệ sinh thái ngập mặn…
Trung tâm Sinh học thực nghiệm triển khai kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh vật xử lý bã thải trong quá trình sản xuất nghệ tại Công ty Hoàng Minh Châu (Hưng Yên)
Trước năm 2023, mặc dù có tiềm năng nhưng CNSH chưa thực sự trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn của đất nước một phần do thiếu định hướng thống nhất, thiếu chính sách tài chính, nhân lực và môi trường đổi mới sáng tạo. Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh trong lĩnh vực CNSH; công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, đóng góp 7% vào GDP; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm CNSH nhập khẩu, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp sinh học đóng góp 10–15% vào GDP, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học. Đây là những định hướng chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc đưa CNSH trở thành mũi nhọn mới của thời đại 4.0, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Nghị quyết 57/NQ-TW ra đời sẽ tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá, để giải phóng sức sáng tạo nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nói chung, CNSH nói riêng. Theo đó, nếu nền tảng tư tưởng của Đảng là kim chỉ nam định hướng phát triển đất nước thì CNSH là một công cụ sắc bén giúp hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra trong các Văn kiện Đại hội XIII. Qua đó, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời đại mới.
Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hôm nay không chỉ là phản bác các luận điệu sai trái, mà còn là tạo ra những giá trị thực tiễn chứng minh rằng định hướng của Đảng là đúng đắn, khả thi và hiệu quả. CNSH chính là một minh chứng sống động cho điều đó.
Sứ mệnh của ngành CNSH không còn bó hẹp trong các phòng thí nghiệm mà đã bước ra đời sống với tư cách là một “lực lượng sản xuất mới”, góp phần làm chủ các công nghệ lõi, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhiều thế lực lợi dụng danh nghĩa “khoa học hiện đại” để cổ súy thuyết tương đối, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng, thì việc ứng dụng khoa học vì mục tiêu dân sinh, vì nhân dân, vì sự phát triển độc lập của đất nước chính là lời phản bác mạnh mẽ và thuyết phục nhất. CNSH cần được định vị như một “vũ khí mềm” trong cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng – nơi tri thức khoa học bắt nhịp lý tưởng cách mạng.
Để CNSH thực sự thực hiện trọn vẹn trách nhiệm và sứ mệnh cần:
Một là, đầu tư xứng đáng vào nghiên cứu cơ bản, chuyển giao công nghệ và sản phẩm hóa.
Hai là, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với liên kết giữa nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông.
Ba là, lồng ghép giáo dục chính trị, tư tưởng trong các trường đại học và viện nghiên cứu, giúp các nhà khoa học trẻ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có lập trường tư tưởng vững vàng.
Bốn là, truyền thông khoa học hiện đại, nhân văn, giúp người dân hiểu rõ vai trò của CNSH, tránh ngộ nhận, hoài nghi vào nỗ lực phát triển của Đảng và Nhà nước.
CNSH là ngọn gió mới trên con tàu cách mạng Việt Nam thời kỳ hội nhập. Nhưng muốn con tàu đó băng ra biển lớn vững vàng, cần có la bàn tư tưởng vững chắc. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động – bằng những đột phá trong khoa học, công nghệ, vì con người, vì dân tộc. Mỗi nhà khoa học hôm nay, nếu được nuôi dưỡng trong lý tưởng cách mạng, sẽ trở thành người lính trên mặt trận không tiếng súng nhưng có sức mạnh thay đổi cả vận mệnh quốc gia.
Nguồn: Chi bộ Trung tâm Công nghệ sinh học và môi trường