Công nghệ laser đóng một vai trò quan trọng trong y học nói chung, phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng. Một trong những ưu điểm nổi bật của việc sử dụng bức xạ laser trong điều trị là khả năng tập trung năng lượng trên một khu vực có giới hạn, nhờ đó, chỉ tác động lên các cấu trúc tế bào, các lớp mô được chỉ định. Hơn nữa, thông qua việc điều khiển thông số quang của chùm tia laser, các thiết bị laser cho phép kiểm soát chính xác sự phân bố năng lượng chùm tia theo không, thời gian. Nhờ đó, kích hoạt có hiệu quả các quá trình nhiệt, cơ hoặc quang hóa trong các mô.
Trong những năm qua, trên thế giới đã phát triển một công nghệ mới – công nghệ quang nhiệt vi điểm FP (Fractional Photothermolysis). Trên thực tế, công nghệ FP đã được đề cập từ năm 2004 nhưng chỉ trong vài năm gần đây, công nghệ này mới thực sự được ứng dụng rộng rãi trong y tế. Công nghệ FP đã được tổ chức FDA (Food and Drug Administration) của Mỹ cấp phép lưu hành và xem đây là phương pháp an toàn, hiệu quả trong việc tái tạo da nhờ điều trị bằng chùm tia laser có điều khiển. Nhờ đó, khoảng 80% tế bào khỏe mạnh được giữ lại và chỉ điều trị 20% tế bào bệnh. Bản chất của phương pháp này là chia nhỏ bề mặt da thành các vùng vi điểm điều trị nhiệt MTZs (microtreatment zones of thermolysis). Theo đó, tại mỗi điểm MTZs, năng lượng của chùm tia laser được hội tụ thành các hình trụ nhỏ, xuyên vào bề mặt da từ 400 đến 1.200 µm. Bề mặt da tại những điểm không phải là MTZs sẽ được giữ lại. Các vi điểm MTZs chiếm khoảng 20% đến 40% diện tích bề mặt vùng điều trị.
Trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ do kỹ sư Lê Huy Tuấn làm chủ nhiệm, trong những năm qua, Trung tâm Công nghệ Laser đã chế tạo thành công thiết bị điều trị laser CO2 quang nhiệt vi điểm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa thiết bị laser vi điểm so với các hệ laser khác là ở chỗ thiết bị vi điểm phải tạo được ma trận các vi điểm phẫu thuật. Có nghĩa là, khối điều khiển lái chùm tia laser đóng vai trò quan trọng.
Bố trí các phần tử trong Khối Scanner(trục X-Y-Z).
Chùm tia Laser được điều khiển trên bề mặt mô tổ chức sống theo hai phương X-Z bởi chương trình định dạng tương thích thông qua các chuyển dịch góc của hai động cơ bước.
Sau hai năm nghiên cứu, thử nghiệm, Trung tâm Công nghệ Laser đã chế tạo thành công thiết bị laser trị liệu theo công nghệ quang nhiệt vi điểm.
Hình ảnh thiết bị laser CO2 quang nhiệt vi điểm, được chế tạo tại Trung tâm Công nghệ Laser
Thiết bị có những chức năng chính gồm:
1. Các chế độ hoạt động: Chế độ quét (SCANNING), phát liên tục (CONTINUOUS WAVE), phát siêu xung (ULTRA PULSE);
2. Xác lập các tham số điều trị như: xác lập hình bao khu vực điều trị, Xác lập thời gian phát xung đơn, Xác lập khoảng cách giữa 2 vi điểm điều trị; Xác lập khoảng thời gian nghỉ giữa hai lần quét,…;
3. Xác lập hướng quét chùm tia laser: Thiết bị có 06 hướng quét là Quét từ trái sang phải, Quét từ trái sang phải, Quét xen kẽ, Quét từ trái vào giữa, từ phải vào giữa, Quét từ giữa sang trái, từ giữa sang phải, Quét xoắn ốc từ mép ngoài hình bao vào tâm, Quét ngẫu nhiên;
4. Lưu các tham số cài đặt: Sau khi được thiết lập, các tham số này có thể được lưu vào bộ nhớ của thiết bị (một bộ tham số cho từng chế độ hoạt động);
5. Lựa chọn công suất phát laser cho từng chế độ hoạt động.
Giao diện chế độ hoạt động (Modes)
06 hướng quét chùm Laser
Các thông số kỹ thuật chính của thiết bị gồm:
- Công suất phát Laser tại đầu ra (P): điều chỉnh được trong phạm vi 0-30;
- Bước sóng laser (l): 10.615 nm;
- Vết chùm tia (f): 0,1 – 0,2 mm;
- Cơ chế dẫn tia Laser: Trục khuỷu 7 khớp, Độ vươn dài: 1150 mm;
- Tia dẫn đường: Laser Diode; Bước sóng (l): 635 nm; Công suất (P): 5 mW;
- Chế độ Laser điều trị: Cắt đốt, bốc bay, cầm máu, châm cứu nhiệt;
- Số lần bắn trên 1 vi điểm: 01 – 10 Pulse/dot;
- Năng lượng trên điểm bắn: 100 – 400 mJ;
- Chế độ phát siêu xung: Thời gian độ rộng xung: 0,01 – 0,8s; Thời gian giữa 2 điểm bắn: 0,01 – 0,8s; Thời gian giữa 2 siêu xung: 0,01s.
Thiết bị đạt giải vàng trong “Hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam” năm 2015 và được chứng nhận đạt top 10 sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 tại triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” lần thứ 2, năm 2017. Thiết bị cũng đã được bộ y tế cấp giấy phép lưu hành.
Với giá thành thiết bị chỉ bằng 2/3 giá thiết bị nhập ngoại, cùng với chế độ bảo hành, chính sách hậu mãi linh hoạt và nguyện vọng được cộng tác, hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước, Trung tâm hy vọng thiết bị sẽ nhanh chóng được triển khai rộng rãi trong các cơ sở y tế trong nước trong thời gian tới.
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Laser