Bảo tồn, phát triển các sản phẩm truyền thống đang là xu thế chung trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Rượu truyền thống là nét văn hóa của mỗi quốc gia, tạo nên dấu ấn không quên cho du khách quốc tế với một số loại rượu nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Sake của Nhật Bản, Mao Đài của Trung Quốc hay Sochu của Hàn Quốc … Tại Việt Nam, rượu truyền thống cũng được coi là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc hay miền Trung Tây Nguyên. Nét đặc trưng của rượu truyền thống vùng cao Tây Bắc là rượu men lá được ủ bằng bánh men làm từ các loại cây dược liệu bản địa. Nguyên liệu và cách làm men lá ở mỗi vùng, mỗi dân tộc sẽ khác nhau. Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) có các loại rượu Há Ía, Thiên Hương, Mê Cung Đá, Lũng Cú, Thanh Vân… sử dụng bánh men lá lên men rượu từ khoảng 20 loại cây khác nhau, trong đó có từ 10 – 12 loại cây chính trong công thức như: Riềng nếp, Kinh giới núi, Sài đất giả, Cà, Thiên niên kiện, Hoa sói, Nhân trần, Tu hú lá to, Lưỡi đắng bầu, Trầu không rừng, Dây đất, Bạch tu lá quế, Găng, Xuyên tiêu, Dây mật… Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số lượng cũng như trữ lượng các loài dược liệu đã giảm trong tự nhiên nên sản phẩm rượu men lá truyền thống cũng bị mai một và mất đi những giá trị vốn có.
Bánh men lá được làm từ các loại dược liệu truyền thống
Với mục đích khôi phục và phát triển các loại dược liệu bản địa được sử dụng làm men lá tại khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm – Viện Ứng dụng Công nghệ phối hợp với Viện Công nghiệp Thực phẩm đã thực hiện khảo sát một số cơ sở sản xuất bánh men lá và nấu rượu truyền thống của đồng bào H’mông tại Hà Giang.
Khảo sát tại cơ sở sản xuất rượu ngô men lá Mê Cung Đá tại Mèo Vạc, Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Từ kết quả khảo sát danh mục và thu thập mẫu một số loại dược liệu tại Hà Giang, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm dự kiến sẽ tiến hành nhân giống để hỗ trợ đồng bào H’mông phát triển vùng nguyên liệu các loại thảo dược làm men lá, góp phần bảo tồn tri thức bản địa trong sản xuất rượu truyền thống của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thu thập mẫu dược liệu tại Hà Giang
Nguồn: Trung tâm Sinh học Thực nghiệm