Triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng dược liệu Lan Kim Tuyến bản địa và một số loài lan khác tại tỉnh Cao Bằng”

Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ cao đã trở thành xu hướng tất yếu, trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung phát triển, thương mại hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là một trong những định hướng nhiệm vụ trọng tâm được đưa vào chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng giữa Viện Ứng dụng công nghệ và Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng.

Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, tháng 12/2023 UBND tỉnh Cao Bằng đã giao cho Viện Ứng dụng công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng dược liệu Lan Kim Tuyến bản địa và một số loài lan khác tại tỉnh Cao Bằng” với mục tiêu nghiên cứu tối ưu hóa quy trình trồng và chăm sóc các loài lan có giá trị cao (lan dược liệu – Lan Kim Tuyến bản địa và Lan Hồ Điệp), góp phần (1) bảo tồn nguồn gen và thương mại hóa sản phẩm, (2) phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Cao Bằng và (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN của địa phương.

Sau 16 tháng triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả như sau:

Đối với Lan kim tuyến bản địa, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu, định danh loài và nhân giống thành công 10.000 cây giống (đạt tiêu chuẩn ra vườn ươm) bằng phương pháp nuôi cấy in vitro; Xác định được điều kiện vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng) và điều kiện giá thể (độ ẩm, pH) thích hợp cho cây Lan Kim Tuyến nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm, đạt tỷ lệ sống trên 90% trong nhà màng thông minh. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu điều kiện vi khí hậu và giá thể cho cây giai đoạn trưởng thành và triển khai trồng thử nghiệm trong nhà màng thông minh với quy mô 150.000 cây.

Mô hình trồng Lan kim tuyến trong nhà màng thông minh tại khu thực nghiệm của Viện Ứng dụng công nghệ (thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)

Đối với cây Lan hồ điệp, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình  trồng Lan hồ điệp thương phẩm ứng dụng công nghệ IoT cho các giai đoạn (i) cây giống đạt tỉ lệ sống trên 90%, (ii) xử lý phân hóa mầm hoa đạt tỉ lệ ra hoa trên 90% và (iii) cây ra hoa đạt tiêu chuẩn xuất vườn đạt trên 85%. Quy trình đã được áp dụng trên mô hình nhà màng thông minh với quy mô 2.500 cây Lan Hồ Điệp trưởng thành và 3.000 cây Lan hồ điệp giống.

Mô hình trồng Lan hồ điệp trong nhà màng thông minh tại Trang trại Khoa học nông lâm nghiệp công nghệ cao (xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng)

Mặc dù dự án được triển khai thực hiện tại một địa bàn miền núi khó khăn, khoảng cách di chuyển xa nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của nhóm nghiên cứu cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cao Bằng, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung chuyên môn theo đúng tiến độ. Trong thời gian tới, nhóm thực hiện sẽ tiếp tục triển khai các phần công việc còn lại đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đã đặt ra.

Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm