Trung tâm Sinh học thực nghiệm chuyển giao quy trình công nghệ trồng dược liệu dưới tán Điều tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Đức Cơ là huyện của tỉnh Gia Lai có diện tích trồng Điều lớn nhất tỉnh với khoảng  26.700 ha. Ba kích là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường ổn định nên việc phát triển trồng Ba kích dưới tán điều không chỉ tận dụng không gian đất trống mà còn tối ưu hóa nguồn nước, dinh dưỡng, và đặc biệt là ánh sáng phù hợp cho sự phát triển của Ba kích, giúp giảm thiểu rủi ro kinh tế cho người dân đang chỉ trồng riêng cây Điều. Việc trồng xen canh không những hình thành và phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu, tạo việc làm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây Điều mà còn giúp tăng độ che phủ, chống xói mòn đất, cải thiện vi khí hậu dưới tán Điều, góp phần vào phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ đã ban hành Quyết định số 2356/QĐ-UBND ngày 29/11/2024 phê duyệt “Kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây Điều gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán Điều theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai”. Đơn vị chủ trì dự án là Công ty TNHH Thái Minh đã phối hợp cùng Trung tâm Sinh học thực nghiệm thực hiện chuyển giao quy trình công nghệ trồng dược liệu Ba kích dưới tán Điều tại 02 xã vùng biên Ia Pnôn và Ia Dok thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Chuẩn bị đất và cây giống Ba kích trồng dưới tán Điều

Trong khuôn khổ nội dung phối hợp thực hiện, tháng 5-6/2025 Trung tâm Sinh học thực nghiệm đã tiến hành chuyển giao cho bà con nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Cơ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch Ba kích đạt năng suất và chất lượng cao. Triển khai 06 mô hình điểm tại xã Ia Dok, qua đó tập huấn thành thạo kỹ thuật của việc trồng Ba kích dưới tán Điều cho các nông hộ, góp phần hình thành vùng nguyên liệu Ba kích ổn định, cung cấp nguyên liệu thô đạt chất lượng cho các đơn vị chế biến dược liệu.

Tập huấn quy trình trồng Ba kích cho các nông hộ trồng Điều ở xã Ia Pnôn và Ia Dok thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Việc chuyển giao quy trình trồng Ba kích dưới tán Điều cho người dân, doanh nghiệp tại huyện Đức cơ (Gia Lai) giúp gia tăng thu nhập, ổn định diện tích trồng Điều và cây dược liệu là một trong những hoạt động đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất được Trung tâm Sinh học thực nghiệm chú trọng triển khai thường xuyên trong thời gian qua.

Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm