Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, gây hại trên cây dừa, chà là, cọ. Sâu tàn phá bộ lá của cây thông qua việc ăn bề mặt và chất diệp lục của lá, sau đó chúng làm các mạng tơ kéo các mép lá sát lại, tạo chỗ ẩn nấp, gây khó khăn trong việc phun thuốc hóa học. Bên cạnh đó, việc phun thuốc hóa học không những gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thiên địch có ích mà còn gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người.
Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh được một số loài vi nấm như Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Trichoderma, Paecilomyces có khả năng kí sinh gây chết côn trùng gây hại. Theo Zimmermann và cộng sự (2007), vi nấm Metarhizium anisopliae còn có khả năng kiểm soát hơn 200 loài côn cùng gây hại như sâu xanh, bọ cánh cứng, dế, muỗi, mối… Theo Mwamburi (2020), vi nấm Beauveria bassiana có phạm vi kí chủ rộng, có khả năng kí sinh trên 700 loại côn trùng khác nhau như sâu tơ, bọ ngũ cốc, châu chấu, muỗi… Vi nấm kí sinh là nhóm sinh vật kiểm soát sinh học tự nhiên, đóng một vai trò quan trọng trong trong việc kiểm soát nhiều loài côn trùng gây hại (Dinu et al., 2022). Nghiên cứu của Mondal và cộng sự cho thấy các chủng vi nấm kí sinh gây chết côn trùng như Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana và Verticillium lecanii đều có khả năng tiết đồng thời các enzyme protease và chitinase, các enzyme này có chức năng phân hủy lớp biểu bì của côn trùng (Mondal et al., 2016). Theo Schrank và cộng sự, enzyme protease, lipase là các enzyme quan trọng trong cơ chế kí sinh của nấm gây chết côn trùng (Schrank et al., 2010).
Từ 40 mẫu sâu, 25 mẫu đất và 25 mẫu lá Chi nhánh Viện Ứng dụng Công nghệ tại TP HCM đã phân lập được 147 chủng vi nấm và sàng lọc được 25 chủng vi nấm có khả năng tiết đồng thời hai enzyme chitinase và protease. Trong đó, chủng vi nấm S39.6 là chủng vi nấm có hiệu lực gây chết sâu đầu đen cao nhất và kế đến là chủng vi nấm Đ6.6 (hiệu lực gây chết sâu đầu đen lần lượt là 100% và 85,77% sau 7 ngày). Kết quả định danh cho thấy chủng vi nấm S39.6 là chủng Metarhizium anisopliae với độ tương đồng 99,77 %; chủng vi nấm Đ6.6 là chủng Talaromyces pinophilus với độ tương đồng 99,66%.
Nguồn: Chi nhánh Viện Ứng dụng công nghệ tại TP. HCM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Dinu, M. M., Fătu, A. C., & Băbeanu, N. (2022). The great potential of Entomophthoralean Fungi for biological control: A review. Scientific Bulletin Series F. Biotechnologies, 26(1), 24-32.
Mondal, S., Baksi, S., Koris, A., & Vatai, G. (2016). Journey of enzymes in entomopathogenic fungi. Pacific Science Review A: Natural Science and Engineering, 18(2), 85-99.
Mwamburi, L. A. (2020). Beauveria. In N. Amaresan, M. Senthil Kumar, K. Annapurna, Krishna Kumar, A. Sankaranarayanan (Eds.), Beneficial Microbes in Agro-Ecology (pp. 727-748). Academic Press. https://doi.org/10.1016/B978-0-12-823414-3.00037-X
Schrank, A., & Vainstein, M. H. (2010). Metarhizium anisopliae enzymes and toxins. Toxicon, 56(7), 1267-1274.
Zimmermann, G. (2007). Review on safety of the entomopathogenic fungus Metarhizium anisopliae. Biocontrol Science and technology, 17(9), 879-920