Công trình “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” đạt Giải Ba – Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2020.

Tối 10/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2020.

Giải thưởng Vifotec 2020 có các lĩnh vực: Cơ khí-Tự động hóa; Công nghệ vật liệu; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các công trình và chọn trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 13 giải Ba, 16 giải Khuyến khích.

Tại buổi Lễ, công trình “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” do nhóm tác giả: Ks. Cù Văn Thành (Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới); TS. Nguyễn Phương, Ths. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, Ths. Mã Bích Thảo, Ths. Phạm Tuấn Đạt (Viện Ứng dụng Công nghệ) thực hiện đã được vinh dự nhận Giải Ba.

(Đại diện nhóm tác giả công trình nhận giải tại buổi Lễ)

Kết quả công trình của nhóm tác giả đã được triển khai thành công và đang được vận hành hiệu quả tại Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre, trong đó:
– Công trình đã xây dựng được dây chuyền thiết bị, công nghệ cho sơ chế, bảo quản và chế biến nước dừa giải khát từ nước dừa già với công suất 4.000 Lít/h.
– Công nghệ mang tính vượt trội, chất lượng nước dừa đạt 95% chất lượng so với nước dừa tự nhiên, được đóng gói trong bao bì hộp giấy thân thiện môi trường.
– Sản phẩm nước dừa từ dây truyền được đóng gói theo quy cách gồm 03 loại: 300 mL, 500mL và 1.000mL đạt chuẩn Quốc tế và được cấp chứng nhận US FDA và BRC Food, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu.
– Sản phẩm nước dừa đóng hộp giấy của công ty được bình chọn trong TOP 40 sản phẩm chất lượng Vàng thương hiệu Quốc gia 2019-2020.
– Qua công trình này, giá trị gia tăng nước dừa đã được tăng lên khoảng 10 lần so với việc làm thạch dừa truyền thống, giảm thiểu được hầu hết phụ phẩm từ quá trình chế biến dầu dừa VCO là nước dừa già, từ đó giúp giảm ô nhiễm môi trường.
– Giá trị trái dừa đã được tăng lên 2,5 lần, giúp ổn định đời sống cho 70% người dân Bến Tre sống bằng nghề trồng dừa và giải quyết 200 lao động địa phương, góp phần ổn định sinh thái bền vững nông thôn, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
– Doanh thu xuất khẩu nước dừa là sản phẩm của công trình đã đạt khoảng 40 triệu USD/ năm.
Qua kết quả của công trình này có thể thấy rằng Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ thuộc Viện Ứng dụng Công đã thực hiện thành công mô hình liên kết 4 “Nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà Nông trong đổi mới công nghệ hướng tới mục tiêu: “Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa, giảm thiểu xuất khẩu dạng thô các chế phẩm từ dừa” mang lại hiệu quả cao và góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội cho đất nước.

Một số hình ảnh của công trình.

(Dây chuyền chế biến nước dừa)

(Sản phẩm nước dừa)

(Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá kết quả dự án)

Nguồn: Trung tâm Ươm tạo CN&DN KHCN