Căn cứ Quyết định số: 162/QĐ-VƯDCN của Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ ký ngày 15/6/2022 về việc thành lập Hội đồng KH&CN đánh giá – nghiệm thu đề tài cấp Bộ, ngày 22/6/2022, tại Viện Ứng dụng công nghệ đã tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp Bộ“Nghiên cứu chế tạo hệ laser sợi quang có khuếch đại dao động chủ (MOPA) ứng dụng trong kỹ thuật khắc tạo màu trên bề mặt kim loại”, do Trung tâm Công nghệ Laser chủ trì và TS. Trần Thị Vân Anh – cán bộ Trung tâm Công nghệ Laser làm chủ nhiệm đề tài.
Tham dự buổi họp về phía Hội đồng có PGS.TS Phạm Văn Hội -Viện Khoa học Vật liệu – Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam làm chủ tịch và 6 thành viên hội đồng là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Về phía đại biểu tham dự có đại diện lãnh đạo Viện Ths. Giang Mạnh Khôi – Phó Viện trưởng và Ths. Đỗ Trọng Tấn – Chánh Văn phòng, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Laser có TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó giám đốc Trung tâm và các nhóm nghiên cứu của đề tài.
(Hội đồng khoa học và các đại biểu trong cuộc họp)
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID 19 (năm 2020 – 2021) nhưng nhóm thực hiện đề tài đã rất nỗ lực trong công tác nghiên cứu để hoàn thành tốt các nội dung theo thuyết minh được phê duyệt. Một số kết quả thu được của đề tài là: Chế tạo thành công 01 thiết bị laser sợi quang có khuếch đại dao động chủ (MOPA) trên cơ sở lựa chọn và tích hợp hệ thống với các thông số đạt theo đúng chỉ tiêu đăng ký, kết quả nghiên cứu mở ra một số hướng ứng dụng mới trong lĩnh vực chạm khắc bằng laser, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng được nhiều lĩnh vực ứng dụng laser trong công nghiệp. Nhóm thực hiện cũng hoàn thành các sản phẩm dạng 2, 3 là quy trình khắc, bộ thông số khắc tạo màu đối với thiết bị chế tạo và đã đăng ký 01 giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn.
Về tính mới, những điểm nổi bật mà sau khi thực hiện đề tài thu được có thể kể đến là: (1) Khắc tạo màu kim loại bằng ứng dụng MOPA laser có tính mới tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc nghiên cứu cơ chế tương tác của laser với các bề mặt kim loại để xây dựng được hệ thông số khắc đối với từng vật liệu. (2) Giải mã chi tiết cấu trúc và chế độ hoạt động của hệ laser sợi quang có khuếch đại dao động chủ (MOPA), từ đó đề ra các biện pháp sửa chữa và thay thế thiết bị khắc tạo màu trong điều kiện tại Việt Nam. (3) Lựa chọn được các module và linh kiện rời từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, đảm bảo các bộ phận này có tính tương thích và có thể hoạt động đồng bộ với nhau. (4) Nắm bắt được kỹ thuật chế tạo, tích hợp từ đó dễ dàng chủ động trong khâu sửa chữa, thay thế các bộ phận của thiết bị.
(Một số sản phẩm do thiết bị laser MOPA khắc)
Kết thúc buổi họp, tất cả các thành viên Hội đồng đều đánh giá các nội dung thực hiện đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại theo yêu cầu đặt hàng và nhất trí nghiệm thu đề tài, đồng thời Hội đồng cũng đề xuất Viện Ứng dụng Công nghệ xem xét và tạo điều kiện cho nhóm thực hiện đề tài tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm của đề tài dưới dạng nghiên cứu sâu hơn, nâng cao khả năng thích ứng của sản phẩm với các ứng dụng trong các thiết bị chuyên dụng có sử dụng laser sợi quang MOPA, cải thiện độ ổn định và các điều kiện hoạt động của thiết bị để tiến tới thương mại hóa được sản phẩm
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Laser