Thu thập mẫu nấm dược liệu Thượng hoàng (Phellinus spp.) tại Việt Nam

Nấm thượng hoàng là các loài nấm dược liệu quý, thuộc các chi Phellinus/ Inonotus/Sanghuangporus, họ Hymenochaetaceae. Hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận có 496 loài nấm thượng hoàng, một số loài có hoạt tính dược học nổi bật như Phellinus linteus (Sanghuangporus linteus/ Inonotus linteus), P. baumii, P. igniarius, P. pini, P. nilgheriensis, P. gilvus,.. Nấm thượng hoàng có tác dụng điều trị kháng viêm, điều hoà miễn dịch, chống oxy hoá, bảo vệ gan, thần kinh, chống ung thư gan, ung thư dạ dày và ngăn chặn sự tái sinh và di căn của tế bào ưng thư,…. Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu thành công về nuôi trồng nấm Thượng hoàng dạng quả thể nhưng sản phẩm chưa đủ để cung cấp cho thị trường và giá thành rất cao. Sản phẩm trên thị trường hiện nay thường nhập khẩu và có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc với giá thành từ 3,5 triệu – 5 triệu VNĐ/kg quả thể.
Để nghiên cứu đa dạng sinh học và sở hữu được một bộ sưu tập các chủng nấm Thượng hoàng quý, đồng thời phát triển được các sản phẩm gia tăng từ loài nấm này đang được Trung tâm Sinh học thực nghiệm định hướng thực hiện thông qua nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đa dạng, tuyển chọn chủng nấm dược liệu Thượng hoàng (Phellinus spp.) ở Việt Nam và công nghệ lên men bề mặt dịch thể giàu β – glucan và polysaccharide nhằm phát triển một số sản phẩm bảo vệ sức khoẻ”. Trong thời gian vừa qua, nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã tiến hành thu thập các mẫu nấm Thượng hoàng tại một số địa điểm ở Việt Nam như: Cao Bằng, Lào Cai, Hà Nội, Nghệ An, Nha Trang, Lâm Đồng…

Thu thập mẫu tại các địa điểm: 1-VQG Pù mát (Nghệ An), 2-Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Nha Trang), 3-VQG Bidoup-Núi Bà (Nha Trang), Công viên Bách Thảo (Hà Nội), Núi mắt thần-Trà Lĩnh (Cao Bằng)
Qua các đợt thực địa, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 20 mẫu nấm Thượng hoàng và tiến hành phân loại bằng hình thái học kết hợp với phân tích trình tự rDNA vùng ITS đã xác được 9 loài bao gồm Phellinus linteus (Sanghuangporus linteus), P. baumii, P. fastuosus (Fulvifomes fastuosus), P. gilvus (Fuscoporia gilva) và 05 loài Phellinus spp. khác.

Hình ảnh một số mẫu nấm Thượng hoàng thu thập được

Sau khi thu được mẫu quả thể nấm ngoài tự nhiên, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành đánh giá khả năng lên men bề mặt, nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối tạo hoạt chất sinh học cao (β – glucan, polysaccharide…) nhằm thay thế cho việc nuôi trồng quả thể và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm từ loài nấm này. Những kết quả này không chỉ đáp ứng mục tiêu nghiên cứu của đề tài mà còn mở ra hướng phát triển mới, góp phần tạo nguyên liệu sản xuất sản phẩm nấm Thượng hoàng có chất lượng tốt, giảm chi phí đầu tư, góp phần tạo ra các giá trị hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội.

Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm