Năm 2024 đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của Viện Ứng dụng công nghệ khi chúng ta kỷ niệm 40 năm thành lập. Suốt bốn thập kỷ qua, Viện không ngừng nỗ lực nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ những ngày đầu thành lập, Viện đã phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và cố gắng không biết mệt mỏi của toàn thể cán bộ, Viện đã từng bước xây dựng được thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Trung tâm Công nghệ Laser luôn tự hào là một phần trên chặng đường hình thành và phát triển của Viện.
Trung tâm Công nghệ Laser được thành lập ngày 5/11/1986, hai năm sau khi Viện Ứng dụng công nghệ hình thành (16/10/1984). Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển trong 38 năm qua, dù có nhiều khó khăn, thách thức, thăng trầm nhưng Trung tâm Công nghệ Laser đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế là một tổ chức khoa học và công nghệ uy tín, có những giai đoạn đi đầu của cả nước trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực như: Công nghệ Laser, Kỹ thuật Y sinh phục vụ Y tế; Laser công nghiệp phục vụ gia công vật liệu và Công nghệ, kỹ thuật Quang tử, Quang – Hồng ngoại,… góp phần vào sự phát triển của Viện Ứng dụng công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng Việt Nam nói chung.
Lĩnh vực Laser Y tế – Kỹ thuật Y sinh.
Ngay từ giai đoạn đầu thành lập (từ 1988 – 1992), thực hiện Đề án Laser Y học – Đề án hợp tác giữa Trung tâm Công nghệ Laser (trước đây là Viện Công nghệ Laser) với bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tâm Công nghệ Laser đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (khoa Y học thực nghiệm do TS. Trần Công Duyệt làm chủ nhiệm); Bộ môn lý sinh (học viện Quân y); Trung tâm Vật lý Y sinh quân đội (tại thành phố Hồ Chí Minh do TSKH. Vũ Công Lập làm giám đốc) trong nghiên cứu chế tạo thiết bị Laser công suất thấp và ứng dụng Laser trong điều trị. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng giai đoạn đầu của đội ngũ Giáo sư, Y bác sỹ đã minh chứng hiệu quả, ưu điểm nổi bật của ứng dụng Laser trong điều trị một số bệnh. Trên cơ sở các kết quả đạt được, Trung tâm Công nghệ Laser và các đơn vị đối tác tiếp tục nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp Bộ nghiên cứu chế tạo thiết bị cũng như nghiên cứu ứng dụng trong y tế với nhiều thiết bị Laser Y tế và điện tử Y tế – Y sinh khác. Mảng Laser Y tế được sự dẫn dắt của TS. Trần Đình Anh (Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Laser) và TS. Trần Ngọc Liêm (nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ Laser luôn chú trọng tiếp thu các công nghệ mới, tiên tiến từ Đức, Liên xô cũ và Trung quốc, do đó các kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng thiết bị laser Y tế được phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 1995 – 2010 và khẳng định vị thế dẫn đầu của cả nước. Từ đó đến nay việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiếp tục được Trung tâm duy trì khá tốt. Các thiết bị Laser Y tế – Kỹ thuật Y sinh do Trung tâm sản xuất tuân thủ và đảm bảo tiêu chuẩn ISO 13485. Trung tâm có 16 thiết bị Laser Y tế và điện tử Y tế – y sinh được cấp phép lưu hành từ năm 2004.
Đến nay, hàng ngàn thiết bị Laser và điện tử Y tế do Trung tâm chế tạo đã được chuyển giao, ứng dụng cho các cơ sở Y tế trong cả nước. Một số sản phẩm, thiết bị tiêu biểu được triển khai rộng rãi trong y tế gồm: Thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể; Thiết Laser trị liệu He – Ne từ 5W – 15 W; Laser CO2 các loại từ (siêu xung; RF; Fractional) có công cuất từ 15 W đến 45 W; Thiết bị Laser Diode công suất cao các bước sóng 630 và 650 nm; Laser châm cứu; dao mổ điện, dao mổ cao tần….
Một số sản phẩm, thiết bị y tế tiêu biểu
Lĩnh vực Laser công nghiệp.
Cùng với hướng nghiên cứu và ứng dụng Laser trong Y tế, từ những năm đầu thập kỷ 90, Trung tâm Công nghệ Laser đã chú trọng đầu tư, nghiên cứu ứng dụng Laser trong công nghiệp, chủ yếu tập trung vào ứng dụng Laser trong gia công vật liệu. Trong giai đoạn đầu, từ các mẫu thiết bị công nghệ Laser công suất cao của Liên xô cũ (hệ Laser CO2 1,5 KW); mẫu công nghệ công suất trung bình Laser CO2 400 W của Đức (Đông Đức cũ), Trung tâm đã có nghiên cứu về tương tác Laser với vật liệu; thử nghiệm cắt; khắc nhiều loại vật liệu kim loại và phi kim. Trong giai đoạn này, nhóm cán bộ do TS. Tạ Văn Tuân (Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Laser và Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ) chủ trì đã nỗ lực nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị Laser CO2 và chuyển giao cho Xí nghiệp nhựa Đại Kim gia công mẫu con giống. Có thể nói đây là sản phẩm Laser CO2 đầu tiên do Việt Nam chế tạo và ứng dụng hiệu quả trong gia công vật liệu.
Tiếp nối kết quả tự hào giai đoạn đầu, kịp thời nắm bắt, xu hướng cũng như công nghệ mới trong ứng dụng Laser gia công vật liệu, Trung tâm Công nghệ Laser tiếp tục tiếp thu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị và xây dựng, hoàn thiện các quy trình gia công kim loại phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm và công nghệ tiêu biểu gồm một số thiết bị Laser Nd:YAG khắc kim loại; Laser fiber công suất vài chục W phục vụ khắc, hàn vật liệu; Laser In 3D; Laser khắc tạo mầu…. Ứng dụng Laser trong dịch vụ khắc kim loại, nhãn mác, mẫu mã được Trung tâm tổ chức triển khai và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2015 – 2020 góp phần tạo nguồn thu, bổ sung kinh phí cho đơn vị trong giai đoạn tự chủ.
Một số thiết bị laser công nghiệp tiêu biểu
Từ năm 2020 đến nay, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm Laser gia công vật liệu công suất thấp cỡ vài chục W, Trung tâm Công nghệ Laser là đơn vị chủ chốt thực hiện các nội dung chuyên môn của đề tài KH&CN cấp quốc gia về nghiên cứu, chế tạo, tích hợp hoàn thiện hệ thống Laser Fiber công suất cao tích hợp cánh tay Robot phục vụ cắt kim loại. Hiện tại đã hoàn thành chế tạo thiết bị và chạy thử cho kết quả khá tốt. Quy trình cắt vật liệu kim loại được lập trình điều khiển 3D, với sự vận hành khá ổn định và chính xác của hệ thống gồm nguồn phát Laser; hệ điều khiển, hệ làm mát và của cánh tay Robot khẳng định sự nỗ lực vượt bực của đội ngũ cán bộ chuyên môn của Trung tâm và nhóm đề tài.
Hệ thống Laser Fiber công suất cao tích hợp cánh tay Robot phục vụ cắt kim loại
Lĩnh vực Quang tử, Quang – Hồng ngoại.
Để đáp ứng nhu cầu về phát triển một số ngành công nghệ cao của chính phủ, từ những ngày đầu thành lập Trung tâm Công nghệ Laser (trước đây là Viện Công nghệ Laser) hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Quang điện tử (trước đây là Viện Công nghệ Quang học) trong hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ chung theo hai hướng nghiên cứu chính là: ứng dụng laser trong thông tin quang và gia công vật liệu. Sự hợp tác chặt chẽ của hai đơn vị đã thu được những kết quả nghiên cứu độc đáo, tạo ra những sản phẩm công nghệ cao như hệ thông tin quang 34MB/s (năm 1989), cho phép truyền dẫn kênh truyền hình mầu đầu tiên tại Việt Nam. Kỹ thuật và thiết bị đo độ suy hao trên đường truyền OTDR (năm 1989), hệ thông tin quang 140 MB/s. Đã tiến hành triển khai thử nghiệm tuyến cáp quang đầu tiên của Việt Nam từ Bưu điện Bờ Hồ đến Tổng đài Quốc tế Láng Trung.
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào an ninh quốc phòng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Viện Ứng dụng công nghệ từ những ngày đầu thành lập. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong giai đoạn 1992 – 2000 Trung tâm Công nghệ Laser đã mạnh dạn đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án cấp nhà nước chuyển giao công nghệ từ Liên bang Nga “Xử lý và thu bức xạ hồng ngoại bằng linh kiện quang điện tử thế hệ mới” với mục đích tiếp thu công nghệ mới nhất trong lĩnh vực Laser – hồng ngoại từ thời Liên xô cũ và nghiên cứu ứng dụng cho an ninh quốc phòng và các mục đích chuyên dụng tại Việt Nam (gọi tắt là dự án Laser – Hồng ngoại). Dự án chính thức được phê duyệt và thực hiện từ năm 1994. Nhóm cán bộ thực hiện dự án dưới sự dẫn dắt trực tiếp của TS. Tạ Văn Tuân đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn do công nghệ hoàn toàn mới (đối với đa số anh em chuyên môn), do khoảng cách xa xôi và sự bất ổn xã hội của đối tác (tại Liên bang Nga) và do áp lực về tài chính…dự án đã tập hợp được nhiều cán bộ chuyên môn tâm huyết, có trình độ và không ngừng nghiên cứu, học hỏi, tiếp thu kiến thức từ chuyên gia. Qua đó dự án đạt được kết quả bước đầu quan trọng và là cơ sở để Trung tâm Công nghệ Laser phối hợp chắc chẽ với Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng và được Bộ Quốc phòng phê duyệt thực hiện 02 dự án thứ cấp. Một sự án cải tiến hệ thống quan truyền hình cận hồng ngoại và chế tạo mới hệ thống bắt bám mục tiêu phục vụ cải tiến khí tài tên lửa; dự án thứ hai là phối hợp Viện Tự động hóa – bộ Quốc phòng tích hợp Mô đun Quang – điện tử phục vụ cho pháo phòng không.
Do có sự thay đổi tổ chức, từ năm 2001, Trung tâm Công nghệ Laser bàn giao các dự án nêu trên cho đơn vị các đơn vị khác trong Viện thực hiện.
Từ các dự án trên, Hệ quang truyền hình cận hồng ngoại được Bộ quốc phòng quyết định trang bị và trong giai đoạn từ 2005 – 2020, một số đơn vị trong Viện và Trung tâm Công nghệ Laser đã cải tiến và chế tạo và chuyển giao, lắp đặt hàng chục hệ quang truyền hình cận hồng ngoại có chức năng bắt bám đối tượng di động trên khí tài tên lửa. Triển khai chế tạo và lắp đặt hàng trăm hệ bắn tập hồng ngoại, bắn sa bàn ban đêm, tạo giải hỏa lực cho Cục nhà trường, Cục quân huấn và một số đơn vị quân đội.
Hệ Quang truyền hình cận hồng ngoại cải tiến được trang bị trên các hệ thống tên lửa Volga -CM75 và Pechora
Kết quả của dự án chuyển giao công nghệ từ Liên bang Nga (dự án Laser – Hồng ngoại) cũng là tiền đề cho Viện và các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện tiếp một số dự án, nhiệm vụ Khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quang điện tử; quang – hồng ngoại cho quân chủng Phòng không – không quân (ứng dụng cho pháo phòng không); gần đây là binh chủng tăng thiết giáp và một số đơn vị khác thuộc Bộ quốc phòng như Tổng cục kỹ thuật, Viện Công nghệ quân sự …
Mẫu kính ngắm quang điện tử kiểu tiềm vọng dùng cho pháo thủ xe BMP-1 (ký hiệu là 1PN22VN1)
Các kết quả Trung tâm Công nghệ Laser nỗ lực phấn đấu đạt được và được ghi nhận trong thời gian qua tập thể Trung tâm luôn ghi nhớ sâu sắc, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng, sự lãnh đạo sát sao, ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, Lãnh đạo Viện Ứng dụng công nghệ qua các thời kỳ. Ghi nhận các thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, Trung tâm Công nghệ Laser đã được Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đánh giá cao và trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp.
– Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2006, 2014, 2016;
– Trung tâm được tặng 05 Huy chương vàng tại Hội chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam (Techmart); Năm 2005: 03 cúp vàng tại Hội chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam (Techmart Năm 2015: giải thưởng Techmart Quốc tế Việt Nam.
– Bộ Y tế tặng bằng khen giai đoạn 2002-2006;
– Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tặng “ Gải thưởng Thăng Long” năm 1995 – Giải thưởng Khoa học và Công nghệ về ứng dụng Laser gia công vật liệu.
– Đảng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ tặng giấy khen tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu năm 2004-2006. Năm 2003;
Hiện nay, các hướng nghiên cứu, ứng dụng của trung tâm Công nghệ Laser vẫn kiên định tập trung vào các công nghệ cao, công nghệ mới thuộc lĩnh vực công nghệ laser, quang tử, quang – hồng ngoại và kỹ thuật y sinh, trong đó chủ yếu ứng dụng vào công nghiệp, y tế và an ninh – quốc phòng. Hướng tới tương lai, Trung tâm Công nghệ Laser cam kết tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng, khẳng định vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ laser vào các lĩnh vực khác nhau. Trung tâm sẽ mở rộng hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội mới trong nghiên cứu và phát triển, đóng góp vào sự phát triển của Viện Ứng dụng công nghệ và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Toàn thể cán bộ trung tâm luôn khắc ghi trong tim mình là một phần của Viện Ứng dụng công nghệ, và luôn sẵn sàng đóng góp cho hoạt động chung của Viện dù là những việc nhỏ nhất, như thay đổi Avatar cá nhân hướng tới 40 năm thành lập Viện (Hình minh họa). Trung tâm Công nghệ Laser không chỉ tự hào về những thành tựu đã đạt được mà còn hứa hẹn sẽ là một trong những đơn vị đòn bẩy cho sự phát triển của Viện Ứng dụng công nghệ trong tương lai. Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, chúng ta tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho cả Trung tâm và Viện.
Một số hình ảnh hướng tới 40 năm Viện Ứng dụng công nghệ của cán bộ Trung tâm Công nghệ Laser
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Laser