Trung tâm Công nghệ vật liệu tham dự hội thảo quốc tế: “Tiến tới phát thải ròng bằng không: Chính sách và thực tiễn”

Đầu tháng 10 vừa qua, tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế “Towards net zero emissions: Policy and Practice” (Tiến tới phát thải ròng bằng không: Chính sách và thực tiễn). Hội thảo tập trung hướng đến thảo luận các vấn đề về chính sách, giải pháp kỹ thuật liên quan tới “Phát thải ròng bằng không” và các vấn đề nổi bật về môi trường hiện nay như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tàn phá đa dạng sinh học,… cũng như các vấn đề xây dựng biện pháp ứng phó như: khử carbon nhanh chóng, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi.
Hội thảo có sự tham dự của các vị đại biểu đại diện cho Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ TN&MT; Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Trường ĐH Central Landcashire, Cơ Quan Hợp tác phát triển Ý tại Việt Nam và hơn 100 nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia tới từ các trường đại học và đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước.

(Các đại biểu, nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.)

Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo khoa học của các nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế (Trường Đại học Quốc tế Gyeongsang Hàn Quốc, Trung tâm Công nghệ Vật liệu – Viện Ứng dụng công nghệ , Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp,…). Trong số đó, công bố của Trung tâm Công nghệ vật liệu với tiêu đề “Công nghệ nitrat hóa bán phần – khử nitrat hóa ứng dụng trong xử lý nước thải” đã được lựa chọn để trình bày và thảo luận trực tiếp tại hội thảo. Nội dung chính của báo cáo là các kết quả nghiên cứu nổi bật của các nhiệm vụ nghiên cứu mà Trung tâm đang triển khai trong lĩnh vực vật liệu và ứng dụng môi trường. Các kết quả trình bày đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo và nhận được nhiều ý kiến thảo luận cũng như đề xuất hợp tác để cùng phát triển và hoàn thiện công nghệ.

(Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuyến – Trung tâm Công nghệ vật liệu trình bày báo cáo tại hội thảo)

Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề liên quan như: áp dụng định giá cácbon ở Việt Nam: giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn để tăng khả năng hấp thụ cácbon ở tỉnh Bình Thuận; nghiên cứu ứng dụng chất thải chăn nuôi như một nguồn tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn; chỉ số Kinh doanh khí hậu và môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo (CEBI); tình trạng phát thải khí nhà kính; môi trường công nghệ và năng lượng tái tạo tại Philippines; điều tra và ước tính lượng phát thải khí nhà kính từ đất trồng lúa ở vùng ven biển tỉnh Nam Định. Các thông tin được trao đổi tại hội thảo về các vấn đề nêu trên là nguồn thông tin khoa học hữu ích để Trung tâm Công nghệ vật liệu tham khảo nhằm kết nối các nghiên cứu đang thực hiện cũng như xây dựng kế hoạch nghiên cứu và phát triển các công nghệ có ý nghĩa thực tiễn cao đối với kinh tế xã hội và môi trường.

Nguồn: Trung tâm Công nghệ vật liệu