Triển lãm Quốc tế Công nghệ Năng lượng – Môi trường Hà Nội 2024 (ENTECH 2024) đã được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26-28/06/2024. ENTECH 2024 quy tụ được hơn 200 doanh nghiệp tham gia trưng bày hơn 250 gian hàng giới thiệu những công nghệ mới nhất về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là các hội thảo kỹ thuật, diễn đàn công nghệ, thảo luận kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu – phát triển công nghệ và chính sách trong nước và quốc tế.
Trung tâm Công nghệ Vật liệu đã tham dự “Diễn đàn Công nghệ xanh trong ngành pin, ắc quy và lưu trữ năng lượng quốc tế 2024”. Tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung cung cấp những thông tin tổng quan về ngành xe điện của Việt Nam cũng như những khó khăn và thách thức khi ứng dụng công nghệ pin và lưu trữ năng lượng tại Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh những thành tựu và công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng sạch, lưu trữ năng lượng như pin năng lượng hyđrô, hệ thống lưu trữ điện phân tán, động cơ không phát thải cácbon,… ứng dụng cho xe buýt, tàu biển, xe siêu trọng,…
Nghiên cứu viên Trung tâm Công nghệ Vật liệu tham dự diễn đàn và tham quan các gian hàng kỹ thuật, công nghệ vật liệu
Các sản phẩm, công nghệ năng lượng – môi trường tại Triển lãm chủ yếu liên quan đến công nghệ xử lý chất thải (xử lý rác sinh hoạt, rác thải y tế; công nghệ xử lý nước; công nghệ xử lý khí; hệ thống quan trắc tự động, từ xa); các thiết bị, công nghệ định hướng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp (kiểm soát/giám sát ánh sáng, nhiệt, trao đổi nhiệt); sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới (năng lượng mặt trời, gió, hyđrô); pin và hệ thống lưu trữ năng lượng; .v.v.
Trung tâm Công nghệ Vật liệu cũng đã tham dự “Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024” do Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội và một số đơn vị liên quan khác tổ chức trong khuôn khổ ENTECH 2024. Nhiều tham luận, trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam đã được trình bày. Các chuyên gia quốc tế cũng đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong chuyển dịch năng lượng xanh; xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới; các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26).
Nghiên cứu viên Trung tâm Công nghệ Vật liệu tham dự diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”
Thông qua việc tham dự triển lãm và các diễn đàn, các nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm đã cập nhật và tiếp cận những công nghệ mới trong lĩnh vực môi trường và năng lượng tái tạo; nắm bắt được xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu để đạt được mục tiêu Net Zero. Từ đó, tạo tiền đề cho việc xây dựng các ý tưởng gắn liền với thực tiễn, nhằm góp phần hiện thực hóa định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cácbon thấp, công nghệ phục vụ kinh tế tuần hoàn của đơn vị.
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Vật liệu