Trung tâm Quang điện tử tiền thân là Viện Công nghệ Quang học, được thành lập ngày 05/11/1986 theo quyết định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Ứng dụng công nghệ). Năm 1994, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia trở thành đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ký quyết định hợp nhất Trung tâm Hệ thống Thông tin (ISC) với Viện Công nghệ Quang học và đơn vị mới được đặt tên là Trung tâm Vật liệu Quang – Điện tử. Ngày 01/7/2004, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định đổi tên Trung tâm Vật liệu Quang – Điện tử thành Trung tâm Quang điện tử hiện nay.
Nhìn lại chặng đường 37 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Quang điện tử. Qua nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm, Trung tâm có thể tự hào với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiêu biểu như:
Kỹ thuật thông tin quang: đã triển khai nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật thu – phát quang của laser bán dẫn, photo-detector và cơ chế truyền dẫn, suy hao của tín hiệu laser bán dẫn trong sợi quang. Các kết quả nghiên cứu được thử nghiệm tại Tổng cục Bưu điện và là yếu tố rất quan trọng để Tổng cục Bưu điện xây dựng chiến lược phát triển mạng thông tin quốc gia trong những năm 90 của thế kỷ trước đưa đến những phát triển bùng nổ của Ngành Viễn thông Việt nam nói chung.
(TS. Đặng Xuân Cự tại hiện trường lắp đặt thử nghiệm hệ thống cáp quang đầu tiên tại Việt Nam)
Kỹ thuật hệ thống thông tin: đã thiết lập một loạt mạng thông tin nội bộ và mạng thông tin diện rộng của Việt Nam tiêu biểu là mạng thông tin diện rộng của Chính phủ nối với tất cả các Bộ Ngành và Địa phương trong cả nước bằng kỹ thuật ISDN; Mạng máy tính nội bộ của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch – Đầu tư và tại một số địa phương. Từ năm 1995, Trung tâm đã kết hợp với Công ty Điện toán và Truyền số liệu Bưu điện (VDC) để thực hiện một mạng truyền in từ xa các nhật báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân thông qua mạng diện rộng chuyển mạch gói X.25 Vietpac góp phần to lớn cho công tác phát hành báo và phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trên phạm vi cả nước. Trung tâm đã tích cực tham gia vào triển khai các nhiệm vụ của đề án 112 về công nghệ thông tin của chính phủ.
(Tham gia triển khai các nhiệm vụ của đề án 112 tại các địa phương)
Công nghệ màng mỏng: sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển, Phòng thí nghiệm Công nghệ Màng mỏng đã xây dựng được cơ sở vật chất tương đối đồng bộ cùng với đội ngũ cán bộ nghiên cứu giàu kinh nghiệm. Đây là cơ sở để Trung tâm có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN Cấp Quốc gia, trong đó có nhiệm vụ theo Nghị định thư về hợp tác khoa học và công nghệ với Cộng hoà Liên bang Đức, Cấp Bộ. Hàng chục công trình nghiên cứu đã được công bố tại nhiều Hội nghị quốc tế, các Tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Đã làm chủ nhiều công nghệ mạ PVD khác nhau: bốc bay bằng chùm tia điện tử có hỗ trợ của ion, công nghệ mạ phún xạ DC, phún xạ xung, phún xạ RF, hồ quang chân không. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho các Nhà máy quốc phòng và ứng trong lĩnh vực công nghiệp.
(Sản phẩm quang học mạ màng phản xạ và giảm phản xạ cho thấu kính đường kính tới 210mm ứng dụng trong quốc phòng)
Công nghệ xử lý ảnh: Trung tâm đã làm chủ công nghệ xử lý ảnh 2D, 3D bước đầu ứng dụng trong công nghiệp và đời sống như: các hệ thống tự động kiểm tra sản phẩm bằng quang học, Robot tự hành, thu nhận và xử lý ảnh 2D- 3D; Hệ thống Thị giác máy.
(Thử nghiệm Robot tự hành tại Nhà máy Thaco – Trường Hải)
(Quét và dựng mô hình 3D tòa nhà Quốc hội Việt Nam)
Trong năm 2023 Trung tâm đạt được một số kết quả nổi bật:
– Công tác tổ chức: Đến nay Trung tâm kiện toàn bổ nhiệm vị trí Giám đốc, tiếp tục kiện toàn 01 vị trí Phó Giám đốc.
– Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: 02 cán bộ nghiên cứu trẻ được công nhận học vị Tiến sĩ.
– Thành tựu:
o 01 Công trình đạt Giải nhì Giải thưởng sáng tạo KHCN VN.
o TS. Phạm Hồng Tuấn là một trong 75 gương mặt tiêu biểu toàn quốc vinh dự tham dự đại hội thi đua yêu nước 2023.
o 01 Quy trình công nghệ được Cục sở hữu cấp bằng sáng chế.
o Gia công linh kiện quang học đặc biệt ứng dụng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Nhân dịp Kỷ niệm 37 năm thành lập Trung tâm, Ban Lãnh đạo Viện Ứng dụng công nghệ và các đơn vị thuộc Viện Ứng dụng công nghệ đã tặng hoa và quà lưu niệm chúc mừng đơn vị.
(Ban Lãnh đạo Viện và các đơn vị thuộc Viện Ứng dụng công nghệ chúc mừng Kỷ niệm 37 năm thành lập Trung tâm)
TS. Hoàng Ngọc Nhân – Phó Viện trưởng phụ trách chúc mừng các kết quả đã đạt được, để Trung tâm hoạt động hiệu quả, đơn vị cần tiếp tục ý thức xây dựng, đào tạo nội bộ để có được các nhà khoa học giỏi, gắn bó với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tích cực tham gia vào định hướng lớn của Viện là lĩnh vực Quang – Cơ – Điện tử, các Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia đang triển khai. Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của 37 năm xây dựng và phát triển, đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành tốt chiến lược phát triển đã đề ra. Phấn đấu xây dựng Trung tâm thành một trong các tổ chức khoa học công nghệ công lập dẫn đầu về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Quang điện tử tại Việt Nam.
(Lãnh đạo Trung tâm, tập thể các cán bộ nữ chụp cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ)
Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay là sự đồng hành, gắn bó, ủng hộ và hợp tác của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Trung tâm qua các thời kỳ. Trung tâm Quang điện tử mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Ban Lãnh đạo Viện, sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý, sự hợp tác của các đơn vị trong và ngoài Viện. Ban Lãnh đạo Trung tâm hy vọng và tin tưởng với tinh thần cống hiến, đoàn kết và không ngừng nỗ lực của toàn thể các thành viên, Trung tâm sẽ tiếp tục lớn mạnh, gặt hái thêm nhiều thành công mới, đóng góp vào sự phát triển chung của Viện Ứng dụng công nghệ.
Nguồn: Trung tâm Quang điện tử