Hiện nay, nấm C. militaris với nhiều hoạt chất quý có hoạt tính sinh học như cordycepin, adenosine, pentostatin… đang được nuôi trồng quả thể với quy mô lớn tại Việt Nam. Tại các cơ sở sản xuất đang đối mặt với tình trạng nấm bị thoái hóa không rõ nguyên nhân, làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng – đây là vấn đề cấp thiết đặt ra cần được giải quyết. Xuất phát từ như cầu thực tế, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sinh học thực nghiệm đã tập trung tìm hiểu về cơ chế phân tử của hiện tượng này. Kết quả cho thấy sự hình thành quả thể ở các chủng C. militaris sinh sản hữu tính (mang cả 2 locus gen giới tính MAT1-1 và MAT1-2) đã suy giảm nghiêm trọng sau ba thế hệ. Đồng thời sự mất cân bằng tỷ lệ 2 loại bào tử mang locus gen giới tính MAT1-1 và MAT1-2 là nguyên nhân gây ra hiện tượng thoái hóa. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra giải pháp về công nghệ giống để duy trì sự ổn định năng suất, chất lượng trong nuôi trồng nấm C. militaris. Toàn bộ các kết quả đã được tổng hợp và công bố trên Tạp chí quốc tế Journal of Fungi (thuộc danh mục ISI: SCImago xếp hạng Q1, chỉ số ảnh hưởng IF 4,7) số tháng 9/2023.
(Tra cứu toàn văn bài báo tại: https://doi.org/10.3390/jof9100971)
Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành đánh giá một số hoạt tính sinh học tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm từ quả thể của nấm C. militaris. Kết quả cho thấy, cao chiết quả thể chủng nấm C. militaris HL8 ức chế mạnh 6 dòng tế bào ung thư phổ biến ở người với giá trị IC50 là 6,41-11,51 µg/mL. Đặc biệt, cao chiết cho tác dụng giảm mạnh sự tăng sinh tế bào và thúc đẩy quá trình apoptosis (chết theo chương trình) của tế bào ung thư vú. Ngoài ra, cao chiết còn có khả năng kiểm soát các loài nấm gây bệnh rất có tiềm năng ứng dụng trong y học, sản xuất mỹ phẩm và nông nghiệp. Các kết quả này đã được công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI: Archives of Microbiology số tháng 2/2024 (SCImago xếp hạng Q2, chỉ số ảnh hưởng IF 2,8) trong bài báo “Ethanolic extract from fruiting bodies of Cordyceps militaris HL8 exhibits cytotoxic activities against cancer cells, skin pathogenic yeasts, and postharvest pathogen Penicillium digitatum”.
(Tra cứu toàn văn bài báo tại: https://doi.org/10.1007/s00203-024-03833-8)
Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm