Năm 2022-2023, Trung tâm Sinh học thực nghiệm được Viện Ứng dụng công nghệ giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ:“Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp”. Theo tiến độ thực hiện các nội dung trong Thuyết minh, ngày 22/02/2023, Trung tâm đã tổ chức kiểm tra, nghiệm thu các sản phẩm gồm 01 mô hình thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi gà làm phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và 01 mô hình trồng cà chua sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và phân compost tại đơn vị phối hợp thực hiện – Công ty TNHH Dịch vụ Ngọc Anh (thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Tham gia đoàn kiểm tra có các thành viên trong tổ chuyên gia, đại diện Lãnh đạo Trung tâm và đại diện Quản lý khoa học – Văn phòng Viện Ứng dụng công nghệ.
Tổ chuyên gia gồm các nhà khoa học có chuyên môn đã tiến hành kiểm tra, lập Biên bản nghiệm thu xác nhận các mô hình đều đạt về các thông số kỹ thuật như đăng ký. Thông qua buổi kiểm tra thực tế, đoàn công tác cũng đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm thực thiện đề tài trong việc triển khai các nội dung nghiên cứu một cách nghiêm túc, đúng tiến độ và các sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu.
(Tổ chuyên gia kiểm tra Mô hình thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi gà làm phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng)
(Tổ chuyên gia kiểm tra Mô hình trồng cà chua sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và phân compost)
Phát biểu trong buổi tiếp đoàn công tác, bà Trần Lại Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Ngọc Anh cho biết, trong quá trình triển khai các mô hình nghiên cứu tại khu nhà lưới thử nghiệm của công ty, nhóm thực hiện đề tài đã rất tích cực và chủ động trong việc thực hiện các nội dung phối hợp, kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả cũng như hướng phát triển ứng dụng tiếp theo của các kết quả nghiên cứu. Doanh nghiệp cũng đề xuất mong muốn sẽ được tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Sinh học thực nghiệm hoàn thiện nghiên cứu và phát triển thương mại hóa sản phẩm phân bón dạng lỏng cũng như mở rộng thử nghiệm trên một số đối tượng cây trồng khác phục vụ nhu cầu thị trường.
Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm