Vi nấm là một trong những nguyên gây bệnh trên cây có múi ở cả giai đoạn trước và sau thu hoạch rất phổ phiến và nghiêm trọng. Trong khi đó, vi sinh vật đối kháng được coi là tác nhân sinh học kiểm soát mầm bệnh trên cây có múi tiềm năng, thay thế cho thuốc diệt nấm hóa học. Năm 2020, Trung tâm Sinh học thực nghiệm được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học kháng vi nấm gây bệnh trên cây cam ở một số tỉnh phía Bắc”, năm 2021 đề tài đã kết thúc triển khai thực hiện tạo chế phẩm vi sinh cũng như thử nghiệm bước đầu cho thấy khả năng kiểm soát bệnh trên cam do nấm gây ra tại vùng trồng cam tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) đạt kết quả khả quan.
Tiếp tục hướng nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tập trung xác định tác nhân vi nấm bệnh gây bệnh ưu thế trên cây ăn quả có múi và tìm kiếm các chủng vi khuẩn Bacillus bản địa có hoạt tính kháng hiệu quả các vi nấm gây bệnh này ở vùng chuyên canh cây có múi của Hà Giang.
(Thu mẫu nấm bệnh trên quả và cây cam tại Hà Giang)
Kết quả đánh giá đặc điểm hình thái, phân tích trình tự gen và độc lực gây bệnh trên quả mô hình đã xác định hai loài nấm gây bệnh phổ biến phân lập được là Colletotrichum gloeosporioides và Penicillium digitatum. Lần đầu tiên quá trình lây nhiễm gây bệnh trên cuống quả của nấm C. gloeosporioides đã được quan sát bằng cách sử dụng chủng nấm được biểu hiện protein phát huỳnh quang màu xanh (GFP). Đặc biệt, nghiên cứu đã chọn được 2 chủng Bacillus trong đất có hoạt tính ức chế mạnh sự gây bệnh của 2 loài nấm gây bệnh trên. Các phân tích phân tử của gen 16S rRNA và gyrB cho thấy cả 2 chủng vi khuẩn là B. velezensis.
Toàn bộ các kết quả tổng hợp trong báo cáo nghiên cứu “Efficient control of the fungal pathogens Colletotrichum gloeosporioides and Penicillium digitatum infecting citrus fruits by native soilborne Bacillus velezensis strains” được công bố trên Tạp chí Quốc tế uy tín Heliyon của NXB Cell Press (SCImago xếp hạng Q1, chỉ số ảnh hưởng IF 3.77) số tháng 2/2023.
(Bài báo khoa học công bố trên Tạp chí Heliyon)
* Tra cứu toàn văn bài báo tại: https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2023.e13663.
Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm