Cây Nghệ thuộc họ gừng (Zingiberaceae), được trồng nhiều ở những vùng khí hậu nóng ẩm như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Jamaica, Peru… và Việt Nam. Củ nghệ từ lâu đã được sử dụng rộng rãi làm gia vị, chất bảo quản và chất tạo màu trong thực phẩm. Ngoài ra, củ nghệ cũng là một trong những phương thuốc dân gian hiệu quả trong chữa trị nhiều loại bệnh như vàng da, các bệnh về gan, mật, u nhọt, viêm khớp, cảm cúm… Hoạt chất trong nghệ gồm tinh dầu và các chất màu vàng gọi chung là curcumin. Curcumin đã được chứng minh hiệu quả trong phòng và điều trị ung thư, alzheimer, tiểu đường, dị ứng, viêm khớp và nhiều bệnh mãn tính khác. Trong dân gian, nghệ được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như nghệ với mật ong chữa dạ dày, bột nghệ chữa bỏng, tăng sức đề kháng của cơ thể, hay dùng để làm gia vị trong các món ăn truyền thống, dùng làm mỹ phẩm và chữa các vết thâm nám, sẹo…
Tại Hưng Yên, nghệ được trồng chủ yếu tại huyện Khoái Châu. Đến nay, toàn huyện có gần 300 ha trồng nghệ với năng suất đạt 45 tấn củ/ha, tập trung ở các xã Chí Tân, Đại Hưng, Thuần Hưng, Thành Công, Đại Tập…, trong đó diện tích trồng nghệ được chứng nhận VietGAP trên địa bàn huyện đạt khoảng 50 ha. Riêng huyện Khoái Châu hiện đã có hơn 20 cơ sở thu mua, sản xuất, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nghệ, nghề sản xuất tinh bột nghệ mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Phụ phẩm trong quá trình sản xuất nghệ như thân, lá sau thu hoạch hay bã thải (vỏ, rễ, bã) sau quá trình chế biến rất lớn, đặc biệt là bã nghệ là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang là vấn đề cấp bách tại địa phương. Trước thực tế đó, Sở KH&CN Hưng Yên đã có thông báo tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu xử lý phế phụ phẩm trong chế biến nghệ làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.
(Sản xuất tinh bột nghệ tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên)
Thông qua khảo sát và nắm bắt nhu cầu thực tiễn tại Hưng Yên, cùng với năng lực và kinh nghiệm thực tế về xử lý chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học, nhóm nghiên cứu Trung tâm Sinh học Thực nghiệm đã thuyết minh phương án xử lý bã nghệ đáp ứng mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động chế biến nghệ một cách bền vững và phù hợp với điều kiện của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đề tài nghiên cứu do Trung tâm đề xuất đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt thực hiện trong kế hoạch năm 2022, góp phần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
(Đại diện nhóm nghiên cứu Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thuyết minh nhiệm vụ KHCN trước Hội đồng khoa học tỉnh Hưng Yên)
Nguồn: Trung tâm Sinh học Thực nghiệm