Thực hiện kế hoạch công tác năm 2023, vừa qua, Trung tâm Công nghệ vật liệu đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở bao gồm “Đánh giá khả năng ứng dụng kỹ thuật lọc màng trong quá trình thanh trùng nước quả” do ThS. Đoàn Văn Hưởng làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu xây dựng quy trình sử dụng màng nhựa nhiệt dẻo có kết hợp phụ gia kháng khuẩn trong bảo quản rau cần ta (oenanthe javanica)” do ThS. Đặng Thảo Yến Linh làm chủ nhiệm. Đây đều là những nhiệm vụ KH&CN gắn liền với định hướng phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến ứng dụng trong bảo quản và chế biến sâu nông sản của đơn vị trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực bảo quản nông sản hiện nay, tại Việt Nam hầu như chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về việc bảo quản rau cần ta (Oenanthe javanica). Trong khi đó, đây là loại rau có chất lượng dinh dưỡng tốt, đã được sử dụng nhiều trong thực phẩm và y học. Nắm bắt được nhu cầu thực tế về bảo quản nông sản này vùng trồng tại Bắc Giang, trên cơ sở đã làm chủ được quy trình công nghệ chế tạo màng bao gói kháng khuẩn từ nhựa polyetylen mạch thẳng tỷ trọng thấp có kết hợp chất kháng khuẩn polyguanidine ứng dụng trong bảo quản nông sản, Trung tâm Công nghệ vật liệu đã tiến hành triển khai nghiên cứu ứng dụng loại màng trên trong bảo quản rau cần ta, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả cho sản xuất loại rau này tại Việt Nam. Cụ thể nhiệm vụ đã đánh giá được tỷ lệ diện tích màng bao gói/khối lượng nông sản và nhiệt độ là các yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của rau cần ta trong quá trình bảo, từ đó xác định được điều kiện bảo quản tối ưu cho rau cần ta. Với nguyên liệu rau cần ta được trồng tại Hợp tác xã Lý Hùng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, việc áp dụng điều kiện bảo quản tối ưu bằng màng bao gói nhựa nhiệt dẻo chứa chất kháng khuẩn giúp duy trì được chất lượng cảm quan, dinh dưỡng của rau cần và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các quy định hiện hành sau 15 ngày bảo quản. Với kết quả nêu trên, đề tài đã đề xuất 01 quy trình về bảo quản rau cần ta bằng màng bao gói nhựa nhiệt dẻo chứa chất kháng khuẩn và công bố 01 bài báo trên tạp chí Khoa học và Công nghệ (Trường đại học Kinh tế-Kỹ thuật công nghiệp).
Kỹ thuật lọc màng cũng là một trong những kỹ thuật được Trung tâm Công nghệ vật liệu chú trọng nghiên cứu và chế thử sản phẩm trong giai đoạn vừa qua. Đây là kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực xử lý nước và nước thải tại Việt Nam. Gần đây, kỹ thuật này cũng đã chú ý bởi khả năng ứng dụng vào sản xuất các loại nước trái cây giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao, thay thế cho các phương pháp sản xuất truyền thống. Vì vậy, với mục tiêu đánh giá tiềm năng của kỹ thuật lọc màng trong quá trình sản xuất nước quả tại Việt Nam và hướng tới xây dựng các đề xuất để phát triển và ứng dụng kỹ thuật lọc màng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm của đơn vị đến năm 2025 trong lĩnh vực này, Trung tâm Công nghệ vật liệu đã thực hiện nhiệm vụ:“Đánh giá khả năng ứng dụng kỹ thuật lọc màng trong quá trình thanh trùng nước quả”. Kết quả khảo sát cho thấy, lọc màng là một kỹ thuật tiên tiến và có nhiều ưu việt so với các phương pháp chế biến nước quả truyền thống: đòi hỏi ít chi phí vận hành hơn, thời gian xử lý ngắn, ít ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng (vitamin, hợp chất phenolic, anthocyanin và carotenoids) cũng như chất lượng cảm quan (hương vị, màu sắc, mùi thơm, hình thức và kết cấu) của nước trái cây so với các phương pháp khác (nhiệt, bức xạ…). Trong khi đó, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có nguồn cây trái phong phú với nhiều chủng loại chất lượng, có giá trị dinh dưỡng cao. Nếu kỹ thuật lọc màng được áp dụng trong một quy trình sản xuất phù hợp, có thể tận dụng những lợi thế trên để góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ trái cây và nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam. Mặc dù vậy, ứng dụng kỹ thuật lọc màng trong chế biến nước quả ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu được quan tâm trong những năm gần đây. Nghiên cứu này đã xây dựng được 01 báo cáo tổng luận, đánh giá tổng quan về kỹ thuật lọc màng trong sản xuất nước quả thanh trùng và công bố 01 bài báo trên tạp chí Hóa học và Ứng dụng (Hội Hóa học Việt Nam). Những sản phẩm này sẽ là cơ sở khoa học, là tiền đề tổng quan tốt để đơn vị có thể tiếp tục đề xuất và triển khai các nội dung nghiên cứu phát triển nhằm ứng dụng công nghệ lọc màng trong chế biến nước quả.
Với những kết quả đã đạt được, 02 nhiệm vụ đã được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá ở mức “Đạt”, đáp ứng được yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời các Hội đồng cũng đánh giá cao tính thực tiễn và những đóng góp khoa học của các đề tài trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản, mong muốn đơn vị tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và thế mạnh về khoa học kỹ thuật để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn và giá trị kinh tế cao ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một số hình ảnh nghiệm thu đề tài
Nguồn: Trung tâm Công nghệ vật liệu