Ngày 25/07/2023, Viện Ứng dụng Công nghệ (Viện) đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ: “Nghiên cứu chế tạo thiết bị laser điều trị trong y tế công suất 30 W theo công nghệ RF-CO2” do Trung tâm Công nghệ Laser (Trung tâm) thực hiện, ThS. Phan Thị Cảnh làm chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu đề tài gồm các nhà khoa học đầu ngành và các chuyên gia trong các lĩnh vực Quang học – Quang phổ, Công nghệ Laser, Vật lý và Y học, GS.TS. Nguyễn Đại Hưng, Hội Vật Lý Việt Nam được mời làm Chủ tịch Hội đồng.
Tham dự buổi họp, về phía Viện có TS. Hoàng Ngọc Nhân – Phó Viện trưởng phụ trách và bà Trần Thị Hoài Hương – Phó Giám đốc Ban Kế hoạch-Tài chính. Về phía Trung tâm có sự tham gia của TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc và các thành viên chính tham gia thực hiện đề tài.
Hình 1. Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Thiết bị laser điều trị thẩm mỹ vi điểm sử dụng đầu phát laser RF-CO2 dựa trên công nghệ quang nhiệt phân đoạn chùm tia FP (Fractional Photothermolysis). Quá trình bức xạ chùm tia được thực hiện nhờ kích thích phát xạ bằng sóng vô tuyến (RF).
Thiết bị laser điều trị thẩm mỹ vi điểm sử dụng đầu phát laser RF-CO2 có nhiều ưu điểm so với các loại laser điều trị thẩm mỹ sử dụng đầu phát DC-CO2 (kích thích bằng cao áp): (i) cho phép “bóc” từng lớp da mỏng; (ii) chùm tia laser có thể chiếu vào lớp hạ bì một cách hiệu quả; (iii) cho phép tái tạo collagen, cải thiện tình trạng lão hóa da, làm săn chắc da, xóa nếp nhăn; (iv) cho phép loại bỏ sẹo mụn sau phẫu thuật, làm mịn sẹo nám và sẹo phẫu thuật, loại bỏ các sắc tố khó chữa; (v) giảm thiểu thời gian phục hồi và không để lại các tác dụng phụ, (vi) thiết bị có chất lượng chùm tia tốt hơn, tuổi thọ cao hơn,…
Tại Việt Nam, thiết bị laser điều trị thẩm mỹ vi điểm chủ yếu là nhập khẩu và thường sử dụng đầu phát laser DC-CO2. Thiết bị được sử dụng trong các chuyên khoa: (i) Da liễu, thẩm mỹ: điều trị tàn nhang, bớt vàng, bớt đỏ, xóa xăm, viêm nang lông, tẩy nốt ruồi, mụn cơm,…; (ii) Ngoại khoa: bóc tách tổ chức mô, phẫu thuật trĩ nội, trĩ ngoại, polip trực tràng,…; (iii) Nha khoa: điều trị khối u, polip miệng, lợi chùm, chảy máu chân răng,…; (iv) Phụ khoa: Viêm loét cổ tử cung, condylom (sùi mào gà),…; (v) Tai – Mũi – Họng: U nhọt ống tai ngoài, viêm họng hạt, viêm mũi, polip mũi, phi đại cuống mũi,…
Dưới đây là một số hình ảnh, thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ:
Hình 2. Thành viên Hội đồng KH&CN vận hành thử nghiệm thiết bị.
Thông số kỹ thuật chính của thiết bị:
– Nguồn nuôi: 220 VAC/50 Hz.
– Công suất tiêu thụ: 200 VA.
– Loại ống laser: RF-CO2 vỏ kim loại.
– Công suất laser (điều chỉnh được): 1 – 30 W.
– Bước sóng laser: 10,6 µm.
– Hiển thị: màn hình cảm ứng TFT 8”.
– Tia dẫn đường: LD ánh sáng đỏ, công suất 5 mW.
– Chế độ làm việc:
+ Điều trị thông thường: Phát chùm tia không sử dụng công nghệ Fractional.
+ Điều trị vi điểm: Phát chùm tia sử dụng công nghệ Fractional.
– Vùng quét tối đa: 2 cm x 2 cm.
– Thời gian phát xung (điều chỉnh được): 0,1 – 1 ms.
– Thời gian xung nghỉ (điều chỉnh được): 0,2 – 5 ms.
– Cơ chế điều khiển: Công tắc bàn đạp.
– Kiểu phát laser: Phát liên tục; Phát xung đơn; Phát chuỗi xung vuông; Phát siêu xung Super Pulse; Phát siêu xung Ultra Pulse.
– Cơ chế làm mát: quạt gió đối lưu không khí.
Hình 3. Hình ảnh thiết bị
Hội đồng KH&CN đánh giá cao các kết quả đạt được của đề tài với 7/7 phiếu đánh giá hoàn thành ở mức “đạt”. Theo kết luận của Hội đồng, đề tài đã hoàn thành các nội dung đúng hạn và đúng theo Hợp đồng đã ký kết: Sản phẩm dạng I của đề tài đáp ứng đúng, đủ về chủng loại, số lượng, chất lượng và có khả năng đưa ra thị trường; Các sản phẩm dạng II, dạng III cũng đã được hoàn thành đúng theo đăng ký: 01 GPHI (chấp nhận đơn), 01 Kiểu dáng công nghiệp (chấp nhận đơn), 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí KH&CN Việt Nam (chấp nhận đăng).
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Laser