Một số kết quả triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực của Trung tâm Quang điện tử giai đoạn 2020-2025

Theo Quyết định số 70/QĐ-VƯDCN ngày 30/3/2022 của Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trung tâm quang điện tử; Trung tâm Quang điện tử (TTQĐT) là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ, giúp Viện trưởng thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới thuộc lĩnh vực quang điện tử, bao gồm: công nghệ màng mỏng và màng cứng, công nghệ quang cơ điện tử, công nghệ thu nhận và xử lý ảnh 3D, công nghệ chế tạo linh kiện và cảm biến quang học phục vụ dân dụng, công nghiệp và an ninh – quốc phòng.
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, duy trì tính bền vững đối với những thành tích đã đạt được và góp phần nâng cao chất lượng các nghiên cứu ứng dụng, năm 2020, Đề án phát triển nhân lực giai đoạn 2020-2025 của Trung tâm Quang điện tử đã được xây dựng nhằm phát triển đội ngũ đáp ứng nhu cầu cấp thiết này. Qua phân tích hiện trạng của đơn vị, đề án đã chỉ ra một số hạn chế chủ yếu như sau:
·        Số lượng cán bộ có trình độ sau đại học còn ít (hiện có 05 ThS, 01 TS.), cần phát triển được tối thiểu 03 cán bộ có trình độ tiến sĩ.
·        Số lượng và tỉ lệ cán bộ trong các ngành Vật lí/Quang học/Vật liệu/ Điện tử/Tin học/Kinh tế chưa tương xứng với định hướng chuyên môn, định hướng hoạt động tự chủ của đơn vị;
·        Chất lượng cán bộ: Những cán bộ chủ chốt đã và sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới, những cán bộ trẻ kế cận chưa có bằng cấp phù hợp, chưa đủ uy tín trong giới chuyên môn;
·        Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm sẽ nghỉ hưu trong 1-2 năm tới, tạo áp lực cho đơn vị phải nhanh chóng đào tạo và tìm kiếm đội ngũ kế cận đáp ứng đủ điều kiện nghiêm ngặt về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận và kinh nghiệm quản lý theo các văn bản hiện hành của Bộ KH&CN và Viện ƯDCN;
·        Đơn vị đã hoạt động theo cơ chế tự chủ từ năm 2015, song mức độ tự chủ còn rất hạn chế. Năng lực của những cán bộ điều hành công việc kinh doanh, triển khai còn nhiều hạn chế;
Để đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2020-2025. Đề án đã đề ra các giải pháp cụ thể như sau:
·      Tiếp tục kiện toàn và sắp xếp lại lao động một cách hợp lý, nâng cao năng lực công tác trên cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm đối với công việc và tổ chức;
·      Thực hiện tuyển dụng viên chức đối với các chỉ tiêu biên chế được giao chưa tuyển dụng;
·      Hoàn thiện các chính sách tuyển dụng, thu hút và giữ chân cán bộ;
·      Nâng cao năng lực quản trị nguồn nhân lực;
·      Xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo theo các giai đoạn, theo độ tuổi, giới tính, từ đó chú trọng và đẩy mạnh việc đào tạo về lý luận chính trị, ngoại ngữ, kỹ năng lãnh đạo. Công tác đào tạo cán bộ quy hoạch lãnh đạo các cấp cần đồng bộ với công tác phát triển đảng viên;
·      Tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học, có kinh nghiệm nghiên cứu triển khai;
·      Xây dựng 02 nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ màng mỏng và công nghệ quang cơ điện tử.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cả tập thể, các cá nhân; từ năm 2020 – đến nay (10/2022) Trung tâm Quang điện tử đã đạt được một số kết quả bước đầu:
·      01 cán bộ hoàn thành chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị (Phó Giám đốc Nguyễn Thành Hợp);
·      02 cán bộ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội (TS. Nguyễn Ngọc Tú, TS. Nguyễn Văn Thành);
·      01 cán bộ hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ (ThS.Nguyễn Thị Thanh Lan);
·      Cử 01 cán bộ tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ  tại Đại học Bách Khoa Hà Nội ( ThS Nguyễn Văn Thưởng từ tháng 9/2022);
·      01 cán bộ tham gia đào tạo trình độ đại học ( KTV Đoàn Xuân Hùng);
·      Nhiều lượt tham gia các khóa bồi dưỡng do Học viện hành chính quốc gia, Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tổ chức,..

Học viên Nguyễn Thị Thanh Lan bảo vệ thành công Luận văn thạc sĩ ngành Khoa học vật liệu tại Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 30/6/2020. Tên đề tài: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo đế plasmonic dựa trên công nghệ khắc sử dụng hạt nano silica”

Học viên Nguyễn Thành Hợp hoàn thành khóa học cao cấp lý luận chính trị K71 hệ tập trung năm học 2020-2021 tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

NCS Nguyễn Ngọc Tú bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí tại Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 4/8/2022; Tên đề tài: “Nghiên cứu hệ thống đo 3D chi tiết cơ khí bằng ánh sáng cấu trúc kết hợp mã Gray và dịch đường”

NCS Nguyễn Văn Thành bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Chuyên ngành Khoa học Vật liệu tại Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 14/9/2022; Tên đề tài: “Nghiên cứu công nghệ xử lý bề mặt kép nhằm nâng cao khả năng chống mài mòn và ăn mòn cho thép không gỉ mactensit AISI420”

Các kết quả đạt được về đào tạo thời gian vừa qua đã bám sát kế hoạch đề ra của Đề án phát triển nguồn nhân lực Trung tâm Quang điện tử giai đoạn 2020-2025, qua đó đã góp phần hoàn thiện cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo của đơn vị, đào tạo được các cán bộ chuyên môn có trình độ cao. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần duy trì và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ màng mỏng và công nghệ quang cơ điện tử. Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới Trung tâm Quang điện tử tiếp tục nỗ lực thực hiện các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo đề án đã đề ra, tiếp tục cử 1-2 cán bộ tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ, thu hút tuyển dụng các cán bộ mới có trình độ chuyên môn tốt và phù hợp, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm thực hiện thành công Đề án trước năm 2025.

Nguồn: Trung tâm Quang điện tử