Trung tâm Công nghệ Laser nghiên cứu chế tạo mô đun quét vi điểm chùm tia cho thiết bị laser điều trị thẩm mỹ

Ngày nay, laser đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ như trong hóa học, vật lý, thông tin liên lạc, quân sự, công nghiệp, y tế, môi trường,… Trong lĩnh vực y tế, thiết bị laser chủ yếu được sử dụng trong phẫu thuật cầm máu, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán, trị liệu, thẩm mỹ, nha khoa, nhãn khoa.
Trong thẩm mỹ, thông qua việc điều khiển thông số quang của chùm tia laser, các thiết bị laser cho phép kiểm soát chính xác sự phân bố năng lượng chùm tia theo không gian và thời gian trong khu vực điều trị. Nhờ đó, kích hoạt có hiệu quả các quá trình nhiệt, cơ hoặc quang hóa của các mô/ tế bào trong khu vực chỉ định.
Hiện nay, có hai phương pháp chủ yếu sử dụng laser trong điều trị thẩm mỹ gồm phương pháp xâm lấn (ablative) và không xâm lấn (non-ablative). Theo phương pháp không xâm lấn, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo không phá hủy cấu trúc cơ học của mô mặc dù bề mặt da bị tác động nhiệt. Phương pháp xâm lấn liên quan đến việc loại bỏ các mô sống tiếp xúc trực tiếp với bức xạ laser. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu thời gian điều trị, trong thời gian gần đây người ta sử dụng công nghệ quang nhiệt phân đoạn chùm tia FP (Fractional Photothermolysis) trong các thiết bị laser điều trị thẩm mỹ. Công nghệ FP đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, FDA (Food and Drug Administration) đánh giá là phương pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị bằng chùm tia laser có điều khiển. Bản chất của công nghệ FP là chia vùng điều trị thành ma trận các điểm điều trị nhiệt MTZs (microtreatment zones of thermolysis), khi đó, chùm tia chỉ được chiếu vào tổ chức tế bào tại các điểm chỉ định. Tập hợp các điểm điều trị này sẽ hình thành một ma trận các điểm điều trị trong vùng điều trị. Hay nói cách khác, chùm laser được điều khiển quét trong toàn bộ vùng điều trị theo ma trận các điểm điều trị. Những thiết bị laser điều trị theo công nghệ FP thường được gọi là thiết bị laser điều trị vi điểm.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về quá trình điều khiển quét chùm tia laser theo ma trận các điểm điều trị còn hạn chế. Các bộ quét chùm tia chủ yếu là nhập khẩu, dẫn đến hạn chế trong triển khai ứng dụng, khó khăn trong việc làm chủ công nghệ chế tạo, cũng như công việc bảo hành, bảo dưỡng thiết bị laser điều trị vi điểm. Trong thời gian qua, theo định hướng nghiên cứu và phát triển thiết bị laser y tế, Trung tâm Công nghệ Laser đã nghiên cứu và chế tạo thành công 01 mô đun quét vi điểm chùm tia cho thiết bị laser CO2 điều trị thẩm mỹ.

Cấu hình điều khiển quét chùm tia laser: a) Sơ đồ khối chức năng mô đun quét chùm tia, b) Hình ảnh mô tả quá trình điều khiển quét chùm tia, c) Vị trí và kết nối của mô đun quét vi điểm chùm tia trong thiết bị laser điều trị thẩm mỹ, d) Mạch điều khiển quét vi điểm chùm tia cho thiết bị laser điều trị thẩm mỹ.
Chùm laser đi ra từ trục khuỷu 7 khớp được chiếu vào 02 gương phản xạ toàn phần của 02 galvo mô tơ chuyển động theo hai trục X và Y, trong đó, mỗi gương được gắn với trục của mô tơ tương ứng. Gương sẽ quay một góc mỗi khi mô tơ dịch chuyển. Nói một cách khác, chùm tia laser được điều khiển quét trên bề mặt tổ chức tế bào theo hai trục X và Y thông qua các dịch chuyển góc của 02 galvo mô tơ.
Mô đun quét vi điểm chùm tia đã được đo lường thông số kỹ thuật và kiểm nghiệm các chế độ quét với nhiều vùng có biên dạng khác nhau. Thiết bị hoạt động ổn định trong thời gian dài với các thông số kỹ thuật đã được ghi nhận.

Thông số kỹ thuật của mô đun quét vi điểm chùm tia laser đã chế tạo.

Với việc chế tạo thành công mô đun quét vi điểm chùm tia laser, Trung tâm Công nghệ Laser tin tưởng rằng đơn vị có thể làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị laser điều trị thẩm mỹ vi điểm cũng như có thể tích hợp mô đun vào nhiều thiết bị laser điều trị thẩm mỹ thông thường (không sử dụng công nghệ FP), qua đó, nâng cao giá trị gia tăng của thiết bị laser điều trị thẩm mỹ.

Nguồn: Trung tâm Công nghệ Laser