Trung tâm Công nghệ vật liệu tham dự hội thảo quốc tế: “Bảo vệ và quản lý môi trường vùng đới bờ”

Từ 03-04/11/2022, Trung tâm Công nghệ vật liệu đã tham dự Hội thảo quốc tế “Coastal Environment Protection and Management Workshop” (Bảo vệ và quản lý môi trường vùng đới bờ) do Trường đại học Việt – Đức và Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết hợp cùng với Viện Khoa học màng lọc (Italia) tổ chức. Hội thảo đã tập trung thảo luận các giải pháp cho môi trường ven biển, bao gồm công nghệ xử lý & tái sử dụng nước thải, đặc biệt là nước thải chế biến thủy sản, nước thải nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vùng ven biển, nước biển và công nghệ khử mặn. Đây cũng chính là những vấn đề mà Trung tâm Công nghệ vật liệu đang quan tâm và đã thực hiện một số nghiên cứu liên quan trong thời gian gần đây.

(Poster thông tin về Hội thảo)

Hội thảo có sự tham dự của các vị đại biểu đại diện cho Sở khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Trường Đại học Việt Đức, Viện Khoa học màng (Italia); đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia tới từ các trường đại học và đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước.

(Các đại biểu, nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.)

Hội thảo đã nhận được bài tham dự của các nhà khoa học trong nước và quốc tế như Đại học Nha Trang, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), đại học HUTECH, Đại học Khoa học ứng dụng Kharlsurhe (Đức),… trong đó bài báo công bố kết quả nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ vật liệu đã được lựa chọn để trình bày và thảo luận trực tiếp tại hội thảo với tiêu đề: “Tổng quan về các công nghệ ứng dụng trong xử lý nước thải nuôi tôm độ mặn thấp”. Nội dung chính của bài báo cáo là đánh giá về mức độ cấp thiết của việc giám sát và quản lý chất lượng nước trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, đánh giá những công nghệ tiên tiến trên thế giới đang được nghiên cứu ứng dụng cho loại nước thải này cũng như tình hình nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam. Từ đó, báo cáo cũng đã đưa ra một số đề xuất về mặt công nghệ có tiềm năng để nghiên cứu và ứng dụng trong tương lai tại Việt Nam. Bài trình bày đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo và nhận được nhiều ý kiến thảo luận góp ý nhằm nâng cao hơn nữa giá trị khoa học và thực tiễn của các đề xuất.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Hội thảo cũng đã tổ chức chương trình tham quan một số nhà máy chế biến thủy sản lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tìm hiểu hoạt động quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, đánh giá những khó khăn và vấn đề còn tồn tại của các hệ thống xử lý và từ đó thảo luận và đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để Trung tâm Công nghệ vật liệu tiếp cận được với những vấn đề thực tiễn liên quan tới môi trường tại khu vực đới bờ, từ đó xây dựng được những đề xuất có ý nghĩa thực tiễn cao đối với kinh tế xã hội và môi trường. Và đặc biệt là cơ hội để Trung tâm có những thông tin khảo sát thực tế phục vụ tốt việc triển khai các nội dung nghiên cứu liên quan trong khuôn khổ nhiệm vụ theo nghị định thư với Italia (2021-2024) do Đại học Việt Đức chủ trì và Trung tâm Công nghệ vật liệu là đơn vị phối hợp chính.

(Đoàn tham quan một số doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Bà Rịa Vũng Tàu)

Nguồn: Trung tâm Công nghệ vật liệu