Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và tin học nghiên cứu thay thế hệ thống điều khiển in công nghiệp

Hiện các nhà máy in gặp nhiều khó khăn khi một số nhà cung cấp hệ thống in này đã không còn vật tư linh kiện sửa chữa thay thế, các hệ thống có giá trị hàng chục tỷ đồng có nguy cơ dừng hoạt động. Đây là một vấn đề đau đầu cho các nhà máy in hiện nay. Ông Lê Văn Ninh – Giám đốc Công ty Cổ phần in Sao Việt đã trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và tin học (IMET), hiện nhà máy in Sao Việt thuộc Công ty Cổ phần in Sao Việt, là một nhà máy in truyện, sách cho các nhà xuất bản lớn như nhà xuất bản Kim Đồng, Giáo Dục, Mỹ Thuật,… với vài vạn cuốn sách một ngày và đang sử dụng hệ thống dây truyền in của Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản,…. là những dây truyền sản xuất khá cũ từ những năm 2003-2009 và mong muốn tìm giải pháp giải quyết vấn đề sửa chữa thay thế thiết bị cho nhà máy. Phía công ty đề nghị IMET tiếp cận với dây truyền in AKIQUMA (Hình 1) – một dây truyền của Nhật Bản với 10 dàn in 240 vít mực, 5 màu và in trên chất liệu giấy công nghiệp. Vít mực là mô – đun thường xuyên phải thay thế, vật tư thay thế của hãng cung cấp không có sẵn vì hệ thống in này được sản xuất 2006. Nếu đặt hàng sản xuất chi phí lên đến 200 USD/vít mực, một hệ thống có 240 vít mực thì tổng chi phí nhập khẩu lên đến cả tỷ đồng.

(Hình 1. Nhóm nghiên cứu của IMET đang khảo sát dây truyền in AKIQUMA của Nhật Bản tại nhà máy in Sao Việt)

Ban đầu nhóm nghiên cứu gặp khá nhiều khó khăn khi khảo sát dây truyền sản xuất này vì tài liệu gần như không còn và chỉ còn một số tài liệu về điện viết bằng tiếng Nhật. Nhờ vào nhiều năm kinh nghiệm thiết kế hệ thống điều khiển, nhóm nghiên cứu của đơn vị dần nắm bắt được và vẽ lại được sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thống điều khiển điện tử của dây truyền sản xuất và toàn bộ mạch điều khiển vít mực của dây truyền máy in AKIQUMA tại Sao Việt đã được thay thế bằng các bộ điều khiển “made in IMET” (Hình 2b) với giá thành chưa đến 100 triệu đồng.

(Hình 2. (a) Mạch điều khiển vít mực của Nhật; (b) Mạch điều khiển vít mực được thiết kế chế tạo bởi nhóm nghiên cứu IMET.)

Sau một thời gian hoạt động với các bộ điều khiển của IMET sản xuất, Giám đốc Lê Văn Ninh và cộng sự rất phấn khởi chia sẻ “hệ thống hoạt động rất ổn định, tốc độ điều khiển còn nhanh hơn trước khi bị hỏng”.

(Hình 3. Dây truyền in AKIQUMA đã hoạt động ổn định sau khi thay thế bộ điều khiển do IMET chế tạo)

Ông Ninh đã mời nhóm nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ nhà máy để khắc phục một số sự cố của 5 dây truyền in khác và giúp nhà máy xây dựng một số hệ thống điều khiển tự động thay thế công nhân hiện nay để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông dự định sẽ giới thiệu nhóm nghiên cứu với các bạn bè đồng nghiệp tại Hiệp hội In Việt Nam nơi mà ông là thành viên hoạt động tích cực. Sau khi thực hiện công việc này, nhóm nghiên cứu cũng học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm thiết kế hệ thống điều khiển tự động trong công nghiệp của các nước có nền công nghiệp điện tử phát triển như Nhật Bản.

Nguồn: Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học