Từ ngày 28/09 – 1/10/2022 tại Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu diễn ra Hội nghị Quốc tế về Quang tử và Ứng dụng lần thứ 12; Hội nghị Quang học Quang phổ Toàn quốc lần thứ 12. Đây là Hội nghị thường niên được tổ chức hai năm một lần đã trở thành một diễn đàn khoa học có uy tín, thu hút sự quan tâm và là nơi gặp gỡ, trao đổi của các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam trong các lĩnh vực quang học, quang phổ; quang tử và ứng dụng. Các chủ đề chính của Hội nghị:
– Quang học, Quang phổ và Laser
– Quang tử (quang tử nanô, linh kiện, thiết bị, vật liệu, mô hình hoá…)
– Quang học vật rắn và vật liệu có cấu trúc nano
– Các ứng dụng quang học, quang phổ và laser
– Các thiết bị và linh kiện quang học, quang tử
– Quang học phi tuyến…
Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu quốc tế và trong nước, với khoảng 160 báo cáo được trình bày tại hai tiểu ban là: Tiểu ban A: Quang tử và ứng dụng; Tiểu ban B: Quang học và Quang phổ.
(Hình ảnh đoàn cán bộ Trung tâm Quang điện tử tham dự Hội nghị)
Trung tâm Quang điện tử tham gia và trình bày tại Hội nghị với hai báo cáo:
1. Nghiên cứu công nghệ mài thấu kính vật liệu cầu CaF2
2. Nghiên cứu kỹ thuật khoan mài để tạo lỗ trên thấu kính thủy tinh quang học
(TS Phạm Hồng Tuấn trình bày báo cáo tại Hội nghị)
Nội dung chính của báo cáo Nghiên cứu công nghệ mài thấu kính vật liệu cầu CaF2:
– Đơn tinh thể CaF2 là vật liệu quang học có nhiều đặc tính rất giá trị: truyền qua ánh sáng tốt trong dải phổ rộng từ vùng tử ngoại 120 nm đến hồng ngoại 12 μm, chiết suất thấp (~1,43@ 4µm), hệ số hấp thụ nhỏ, độ bền cơ cao, ổn định hóa học, bền vững trong môi trường khí quyển bình thường. Vì vậy, CaF2 đã được ứng dụng để chế tạo các linh kiện quang học, đặc biệt là các thấu kính cho nhiều thiết bị quang học tiên tiến khác nhau, hoạt động trong vùng tử ngoại (UV) và hồng ngoại (IR). Tiêu biểu là các ứng dụng trong thiết bị quang khắc vùng DUV, laser Excimer công suất cao, thiết bị quang học vùng hồng ngoại.
– Ứng dụng công nghệ mài tinh và mài bóng thấu kính cầu vật liệu CaF2, sử dụng bột mài kim cương, thực hiện trên máy mài quang học tốc độ cao, được trình bày trong bài báo này. Đối với quá trình mài tinh, bột mài kim cương được gắn trên dụng cụ mài (nấm/bát mài) bằng liên kết kim loại hoặc liên kết nhựa. Trong quá trình mài bóng, bột mài kim cương được cấp dưới dạng dung dịch vào giữa bề mặt nghiền của thấu kính với nấm/bát mài nhựa.
– Thấu kính CaF2 đường kính 18mm có một mặt cầu lồi và một mặt cầu lõm, đã được gia công. Các thông số cơ bản của thấu kính cầu: độ chính xác bán kính cong mặt cầu lồi/lõm, độ chính xác biên dạng mặt cầu lồi/lõm (số vòng quang), chiều dày đỉnh của thấu kính, được đo kiểm bằng các phương pháp tiêu chuẩn trong gia công quang học. Kết quả cho thấy qui trình công nghệ đã thiết lập, đáp ứng yêu cầu gia công chính xác thấu kính cầu vật liệu CaF2.
(ThS Nguyễn Thành Hợp báo cáo tại phiên Poster của Hội nghị)
Nội dung chính của báo cáo Nghiên cứu kỹ thuật khoan mài để tạo lỗ trên thấu kính thủy tinh quang học:
– Quá trình gia công lỗ dọc trục của các gương/thấu kính kích thước lớn sử dụng phương pháp khoan-mài đã được ứng dụng phổ biến trong sản xuất. Bên cạnh đó, quá trình này vẫn còn một số thách thức như: yêu cầu độ đồng tâm cao giữa lỗ khoan và trục của thấu kính đã được mài hoàn thiện; Khoan lỗ nhỏ đường kính dưới 10mm có yêu cầu dung sai nhỏ; Độ nhẵn sáng bề mặt cao với bề mặt lỗ khoan, mép lỗ không được mẻ rạn; Khoan lỗ với các vật liệu quang học mềm khó gia công…
– Nghiên cứu này trình bày một số kết quả ban đầu trong phát triển kỹ thuật khoan-mài để khoan các lỗ nhỏ trên thủy tinh quang học. Thứ nhất, một dụng cụ mài kim cương dạng ống có gắn bột kim cương nhờ hợp kim đồng và bột kim cương thiêu kết, được thiết kế và chế tạo. Thứ hai, một máy khoan chuyên dụng độ chính xác cao được xây dựng để thực hiện quá trình khoan mài.
– Kết quả thí nghiệm cho thấy có thể đạt được độ chính xác hình học và kích thước của các lỗ nhỏ, đường kính tới 4mm, trên thủy tinh quang học và tinh thể quang học.
Tại Hội nghị Đoàn cán bộ của Trung tâm Quang điện tử cũng đã có nhiều trao đổi học thuật, các kinh nghiệm trong thực tiễn nghiên cứu với các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm cập nhật xu hướng nghiên cứu trên thế giới, nâng cao trình độ, mở rộng hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
Nguồn: Trung tâm Quang điện tử