Ngày 23/8/2023 nhóm cán bộ của Trung tâm Sinh học thực nghiệm đã tham gia buổi Hội thảo giới thiệu về Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (ban hành theo Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tưởng Chính phủ) gọi tắt là Đề án 2395 được tổ chức tại Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Cùng tham dự Hội thảo còn có đại diện một số nhóm nghiên cứu mạnh của Viện Khoa học và Công nghệ (Bộ Công an), Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Giao thông vận tải và GS.TS. Phan Mạnh Hưởng – Đại học Nam Florida (Mỹ).
(Toàn cảnh Hội thảo giới thiệu về Đề án 2395)
Tại Hội thảo, ông Trần Vũ Tuấn Phan – đại diện cơ quan thường trực Đề án 2395 đã giới thiệu tóm tắt về Đề án và các văn bản quản lý liên quan, trong đó nhấn mạnh về mục tiêu của Đề án 2395, các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng như điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ, quyền lợi, trách nhiệm cho từng hình thức tham gia: Chuyên gia, Nhóm nghiên cứu, sau Tiến sỹ và Nhân lực quản lý KH&CN. Tuy nhiên, đến nay số lượng chỉ tiêu được xét chọn và đã nhận được tài trợ của Đề án vẫn còn khá khiêm tốn.
(Số lượng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 2395 đến năm 2025 – Nguồn: Quyết định số: 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015)
Trao đổi tại phiên thảo luận, các nhóm nghiên cứu đã nêu các câu hỏi và được làm rõ hơn những thông tin về quy trình tuyển chọn, yêu cầu về hồ sơ đăng ký tham gia Đề án như: (1) điểm nhấn cần nêu rõ trong mục tiêu của đề cương nghiên cứu, (2) nội dung cần lưu ý trong văn bản tiếp nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài và (3) kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia Đề án.
Cũng tại Hội thảo, GS.TS. Phan Mạnh Hưởng – một trong những chuyên gia hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực Từ học cũng đã giới thiệu sơ lược về hoạt động của nhóm nghiên cứu do ông phụ trách trong lĩnh vực Từ học, Vật liệu nano ứng dụng trong thiết bị làm lạnh, thiết bị cảm biến và các thiết bị điện tử tiên tiến sử dụng trong y tế như chăm sóc sức khỏe, điều trị ung thư… Bên cạnh đó, GS. Hưởng cũng giới thiệu một số mô hình nhóm nghiên cứu mạnh quốc tế như 1-3-5 (1 Giáo sư, 3 Tiến sỹ, 5 Nghiên cứu sinh) hay 2-4-6 (2 Giáo sư, 4 Tiến sỹ, 6 Nghiên cứu sinh) và bày tỏ quan điểm sẵn sàng cộng tác, hỗ trợ các nhà khoa học ở Việt Nam, kết nối với các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới để phát triển nguồn nhân lực khoa hoc công nghệ nước nhà theo đúng định hướng và mục tiêu của Đề án 2395.
(Giáo sư Phan Mạnh Hưởng trao đổi thông tin tại Hội thảo)
Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm