Căn cứ thuyết minh và hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, Viện Ứng dụng công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu 02 đề tài KH&CN cấp Bộ (2022-2023) do Trung tâm Sinh học thực nghiệm chủ trì thực hiện“Ứng dụng kỹ thuật di truyền trong chọn giống nấm Cordyceps militaris mang đơn gen giới tính có năng suất và chất lượng cao phục vụ phát triển một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe” do TS. Vũ Xuân Tạo làm chủ nhiệm và đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp” do ThS. Trương Thị Chiên làm chủ nhiệm.
Hai hội đồng đánh giá nghiệm thu do GS.TS. Nguyễn Huy Hoàng – Viện Nghiên cứu Hệ gen và PGS.TS. Phí Quyết Tiến – Viện Công nghệ Sinh học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm chủ tịch và các chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy Lợi, Viện Công nghiệp Thực phẩm, Đại học Phenikaa. Tham dự buổi đánh giá nghiệm thu có đại diện Lãnh đạo Viện Ứng dụng Công nghệ, đại diện bộ phận quản lý khoa học – Văn phòng Viện, đại diện bộ phận tài chính – Ban Kế hoạch Tài Chính – Viện Ứng dụng Công nghệ, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Sinh học thực nghiệm cùng các cán bộ tham gia đề tài.
(Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài)
Với đề tài về nấm dược liệu Cordyceps militaris, đề tài đã thu được một số kết quả quan trọng như: (1) Đã xây dựng được bộ sưu tập gồm 20 chủng nấm C. militaris và tuyển chọn được 3 chủng nấm đơn gen giới tính có năng suất quả thể và hàm lượng cordycepin trong quả thể cao (đạt trên 32g quả thể tươi/hộp và hàm lượng cordycepin từ 14 mg/g quả thể khô) và ổn định qua 5 thế hệ; (2) Đã xây dựng được quy trình công nghệ chọn giống nấm C. militaris mang đơn gen giới tính quy mô phòng thí nghiệm và quy trình nuôi trồng quả thể chủng nấm C. militaris mang đơn gen giới tính với các điều kiện thích hợp; (3) Đã đánh giá được một số hoạt tính sinh học của cao chiết quả thể nấm C. militaris; (4) Đã xây dựng công thức và quy trình sản xuất trà túi lọc, viên nang cứng Đông trùng hạ thảo C. militaris có hàm lượng cordycepin cao, đạt tiêu chuẩn cơ sở; (5) Công bố 02 bài báo khoa học, 01 GPHI (chấp nhận đơn hợp lệ), đào tạo 01 Thạc sĩ.
Qua quá trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gà đã thu được một số kết quả: (1) Đã đánh giá được chất lượng nguồn nguyên liệu chất thải chăn nuôi gà; (2) Đã xây dựng quy trình và mô hình thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi gà làm phân bón hữu cơ vi sinh (HCVS) dạng lỏng quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ với các điều kiện tối ưu (chất lượng phân bón đáp ứng QCVN 01-189:2019/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón); (3) Đã xây dựng quy trình công nghệ xử lý bã thải chăn nuôi gà làm phân compost (chất lượng phân bón đáp ứng QCVN 01-189:2019/BNNPTNT); (4) Đã xây dựng được mô hình trồng cà chua trong nhà lưới sử dụng phân bón HCVS dạng lỏng và phân compost qua hai vụ xuân hè và thu đông cho năng suất tăng so với đối chứng sử dụng phân NPK từ 12,8 – 13,1%; (5) Công bố 02 bài báo khoa học.
(Nấm dược liệu Cordyceps militaris nuôi trồng tại Trung tâm Sinh học thực nghiệm và Mô hình trồng cà chua sử dụng phân bón HCVS dạng lỏng và phân compost)
Toàn bộ các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa và khả năng ứng dụng thực tiễn của các kết quả thu được từ 02 đề tài, đồng thời cũng đề xuất cần có thêm những nghiên cứu mở rộng hơn để các kết quả đạt được tiếp tục được ứng dụng rộng rãi hơn trong thực tế.
Nguồn: Trung tâm Sinh học thực nghiệm